Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, tôi có câu hỏi về việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư tại Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như sau. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (Công ty A) có 1 khoản đầu tư ra nước ngoài vào Công ty B. BCTC của Công ty B tại thời điểm cuối năm đang bị lỗ dẫn đến tổng vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn đầu tư thực tế. Căn cứ theo Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính ("thông tư 48"), Công ty A không được trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư ra nước ngoài vào Công ty B khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ theo quy định sẽ nộp toàn bộ về NSNN. Căn cứ theo mục 3, Điều 4, thông tư 36/2021/TT-BTC ngày 26/5/2021 của Bộ Tài chính ("Thông tư 36") về bảo toàn vốn, "Doanh nghiệp áp dụng các biện pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP để bảo toàn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Trong đó: a) Việc trích lập các khoản dự phòng rủi ro: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có);". Như vậy, Công ty A có được áp dụng Thông tư 36 và Thông tư 48 khi xác định dự phòng đối với khoản đầu tư vào Công ty B ở nước ngoài cho mục đích lập và trình bày BCTC của Công ty A không (theo đó không trích dự phòng cho khoản đầu tư vào Công ty B trên BCTC của Công ty A mặc dù khoản đầu tư này có dấu hiệu suy giảm giá trị), hay chỉ áp dụng thông tư 48 cho mục đích xác định thuế TNDN nhưng vẫn áp dụng quy định tại TT200/2014 khi lập BCTC? Xin cảm ơn và trân trọng.
19/07/2024
Trả lời:

Trả lời phiếu câu hỏi số 050724-18, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
        Tại Điều 2 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định:

        Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

        Thông tư này hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước.”

        Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 48/2019/TT-BTC quy định:

        Thông tư này hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, dự phòng tổn thất nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng làm cơ sở xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

        Việc trích lập các khoản dự phòng cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính của các tổ chức kinh tế thực hiện theo pháp luật về kế toán.

        Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, việc lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư vào đơn vị khác cho mục đích ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, còn cho xác định khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 48/2019/TT-BTC. Theo đó, không có cơ sở pháp lý để doanh nghiệp trích lập và xử lý các khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác tại Thông tư 48/2019/TT-BTC cho mục đích ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính.

Đề nghị Quý độc giả nghiên cứu và thực hiện./.

Gửi phản hồi: