Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính chào Bộ Tài chính! Phần giải thích nội dung, kết cấu và phương pháp hạch toán tài khoản 211 - Tài sản cố định của đơn vị theo Thông tư số 24/2024/TT-BTC, tại mục 3.6 có hướng dẫn như sau: "3.6. Trường hợp TSCĐ nhận viện trợ, nhận tài trợ, được cho tặng, căn cứ hồ sơ tài liệu có liên quan, ghi: Nợ TK 211- Tài sản cố định của đơn vị Có các TK 512, 711." Xĩn hỏi Bộ Tài chính, với hướng dẫn như trên thì trường hợp đơn vị sự nghiệp tự chủ nhóm 2 trong năm có nhận TSCĐ từ tài trợ, cho tặng sẽ được tính vào Thu nhập khác. Như vậy thì: thu nhập khác trong trường hợp này có phải giữ lại ở số dư tài khoản 421 - Thặng dư (thâm hụt) lũy kế (xem như là giá trị còn lại của TSCĐ) hay không? hay sẽ được tính vào thu nhập và phân phối thặng dư vào các quỹ theo cơ chế tự chủ của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP? Rất mong nhận được câu trả lời từ Bộ Tài chính. Tôi xin cảm ơn!
22/11/2024
Trả lời:

Câu hỏi của độc giả liên quan đến việc phản ánh giá trị còn lại của TSCĐ hình thành từ tài trợ, cho tặng và việc phân phối các Quỹ theo quy định tại Thông tư số 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (có hiệu lực áp dụng từ 01/01/2025). Nội dung này Bộ Tài chính xin trả lời độc giả như sau:

1. Về hạch toán TSCĐ hình thành từ tài trợ, cho tặng từ nhà tài trợ trong nước: Trường hợp đơn vị nhận được tài trợ, cho tặng từ nhà tài trợ trong nước, khi được bàn giao chính thức ghi:

Nợ TK 211- Tài sản cố định của đơn vị

          Có TK 711- Thu nhập khác

2. Về phân phối các Quỹ tại các đơn vị sự nghiệp công lập:

Nội dung 1.3, phần nguyên tắc kế toán Tài khoản 421- Thặng dư (thâm hụt) luỹ kế tại Phụ lục số I- Hệ thống tài khoản kế toán và hướng dẫn hạch toán kế toán tại Thông tư số 24/2024/TT-BTC như sau: “Thặng dư được xác định trên Tài khoản 421 không phải là căn cứ để phân phối hoặc trích lập các quỹ. Việc xác định chênh lệch thu, chi (tiết kiệm chi) từ kinh phí được giao tự chủ, kinh phí được khoán chi của đơn vị phải thực hiện theo các quy định của cơ chế tài chính hiện hànhl theo đó đơn vị thực hiện phân phối hoặc trích lập các quỹ trên cơ sở số liệu các khoản chênh lệch thu, chi (tiết kiệm chi) đã được xác định chính xác, như sau:

a) Cuối kỳ kế toán, đơn vị lập Bảng xác định chênh lệch thu, chi từ kinh phí được giao tự chủ (theo sổ S90-H) để xác định chính xác số chênh lệch thu, chi căn cứ theo cơ chế tài chính hiện hành mà đơn vị áp dụng.

b) Căn cứ số liệu trên Bảng xác định chênh lệch thu, chi từ kinh phí được giao tự chủ (sổ S90-H), hạch toán như sau:

- Đối với số phân phối chênh lệch thu, chi có bản chất là các khoản phải trả của đơn vị cho các đối tượng có liên quan theo cơ chế tài chính, phải hạch toán là chi phí trong năm của đơn vị mà không được hạch toán giảm trực tiếp từ Tài khoản 421 (bút toán Nợ TK chi phí/Có TK 353, 334,…), được hướng dẫn chi tiết tại các TK 334, 338, 353, 612, 642.

- Đối với số phân phối chênh lệch thu chi để trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và quỹ khác thuộc đơn vị (nếu có), đơn vị thực hiện kết chuyển thặng dư từ TK 421 sang tài khoản các quỹ thuộc đơn vị (bút toán Nợ TK 421/Có TK 431).

Ngoài ra, số dư bên Có Tài khoản 421 phản ánh “Số thặng dư lũy kế không được phân phối, bao gồm giá trị còn lại của TSCĐ, nguồn đầu tư xây dựng đã thanh toán khối lượng hoàn thành, nguồn khác (nếu có)”.

Do đó, trường hợp đơn vị nhận tài trợ, cho tặng TSCĐ từ nhà tài trợ trong nước, giá trị còn lại của TSCĐ sẽ nằm ở số dư Có Tài khoản 421- là thặng dư không phân phối để đơn vị tiếp tục sử dụng trong các năm sau; việc phân phối chênh lệch thu, chi để trích lập Quỹ không phụ thuộc vào số liệu Thặng dư/thâm hụt luỹ kế trên Tài khoản 421 mà thực hiện theo quy định của cơ chế tài chính hiện hành (với đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP).

Trên đây là câu trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị độc giả nghiên cứu kỹ nội dung của Thông tư 24/2024/TT-BTC để thực hiện./.

Gửi phản hồi: