Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ tài chính! Đơn vị tôi là đơn vị loại 1 hạch toán theo Thông tư 24/2024/TT-BTC, năm 2024 đơn vị tôi nhận được công văn tiền chậm nộp thuế đất phi nông nghiệp từ năm 2017 đến năm 2023 và tiền phạt chậm nộp thuế. Như vậy theo chế độ kế toán đơn vị tôi có được hạch toán vào chi phí năm 2024 khoản tiền này hay phải điều chỉnh báo cáo tài chính các năm, đồng thời phải hạch toán như thế nào để phù hợp với Thông tư 24/2024/TT-BTC. Kính nhờ Bộ tài chính hướng dẫn giúp đơn vị! Xin chân thành cảm ơn!
02/08/2024
Trả lời:

          Nội dung thư độc giả hỏi về hạch toán tiền truy thu thuế đất phi nông nghiệp từ năm 2017 đến năm 2023 và tiền chậm nộp thuế vào năm 2024 tại đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, căn cứ nội dung thư hỏi và trao đổi với độc giả, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Thông tư 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp có hiệu lực từ 01/01/2025. Vì vậy, trong năm 2024, đơn vị thực hiện kế toán theo chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC.

2. Về hạch toán tiền truy thu thuế đất phi nông nghiệp từ năm 2017 đến năm 2023

          Việc đơn vị chưa hạch toán chi phí thuế từ năm 2017 đến năm 2023 (chưa hạch toán nghĩa vụ nộp thuế trong các năm này) đã ảnh hưởng đến số liệu hạch toán các đối tượng kế toán từ năm 2017 đến năm 2023, gồm Các khoản phải nộp nhà nước, Thặng dư (thâm hụt) lũy kế và các khoản phân phối từ thặng dư (thâm hụt) lũy kế theo cơ chế tài chính, theo đó ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu tương ứng trình bày trên báo cáo tài chính từ năm 2017 đến năm 2023.

          Theo đó, đơn vị phải xác định mức độ ảnh hưởng của việc chưa hạch toán chi phí và nghĩa vụ nộp thuế đến thông tin trên báo cáo tài chính của đơn vị trong các năm trước. Mức độ ảnh hưởng có thể là trọng yếu (làm sai lệch thông tin trên báo cáo tài chính của đơn vị trong các năm trước và có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của người đọc báo cáo tài chính) hoặc không trọng yếu.

          (1) Trường hợp đơn vị xác định mức độ ảnh hưởng là trọng yếu:

          Theo quy định, hàng năm khi kết thúc kỳ kế toán, doanh thu, chi phí phải được kết chuyển hết để xác định kết quả hoạt động. Việc đơn vị ghi nhận thiếu chi phí các năm trước sẽ làm tăng giá trị thặng dư hàng năm, ảnh hưởng đến việc xác định các khoản phân phối theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (như trích lập Quỹ,…). Vì vậy, đơn vị cần căn cứ Thông báo của cơ quan thuế và hồ sơ có liên quan để xác định ảnh hưởng của việc ghi nhận thiếu chi phí các năm trước đến các khoản đã phân phối chênh lệch thu, chi hàng năm từ năm 2017 đến năm 2023 để có phương án thu hồi phù hợp.

Tại khoản 3 Điều 27 Luật kế toán 2015 quy định: “Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa chữa này.”.

Căn cứ quy định nêu trên, trong năm 2024 khi nhận được thông báo của cơ quan thuế truy thu tiền thuế các năm trước (từ năm 2017 đến năm 2023), đơn vị không ghi nhận khoản thuế phải nộp này vào chi phí trong năm 2024 mà đơn vị phải xác định số liệu trên các tài khoản có liên quan bị ảnh hưởng do chưa ghi chi phí thuế từ các năm trước, từ đó căn cứ vào số tiền thuế phải nộp, tính toán số liệu để thực hiện bút toán điều chỉnh tương ứng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng như điều chỉnh tăng “Các khoản phải nộp nhà nước” (nghĩa vụ thuế), điều chỉnh giảm các Quỹ được phân phối từ chênh lệch thu, chi theo cơ chế tài chính hoặc các khoản liên quan khác từ thực tế phát sinh tại đơn vị.

Các khoản điều chỉnh này phải được ghi trên sổ kế toán của năm 2024 và thuyết minh về nội dung này trên báo cáo tài chính năm 2024.

          (2) Trường hợp đơn vị xác định mức độ ảnh hưởng là không trọng yếu:

          Trong trường hợp này, đơn vị có thể thực hiện ghi nhận số tiền truy thu thuế vào chi phí của năm 2024 theo hướng dẫn kế toán tại Thông tư 107/2017/TT-BTC.

          Đơn vị chịu trách nhiệm về việc xác định mức độ trọng yếu của việc chưa hạch toán chi phí thuế và nghĩa vụ nộp thuế nêu trên, từ đó áp dụng phương pháp xử lý kế toán phù hợp.

3. Về hạch toán tiền chậm nộp thuế

Tiền chậm nộp thuế là nghĩa vụ phải nộp phát sinh trong năm 2024, vì vậy, khoản tiền chậm nộp được hạch toán vào chi phí năm 2024 theo hướng dẫn kế toán tại Thông tư 107/2017/TT-BTC.

4. Thông tư 24/2024/TT-BTC đã quy định rõ về sửa chữa thông tin, số liệu trên sổ kế toán (tại Điều 7), đề nghị độc giả nghiên cứu để áp dụng phù hợp cho tình huống phát sinh từ năm 2025.

  Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: