Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
- Tình hình của công ty: Để hệ thống máy móc sản xuất từ cấp nước, xử lý khí thải được bố trì phù hợp với nhà xưởng sản xuất từ khâu thiết kế lắp đặt. Công ty ký hợp đồng hợp đồng với Công ty A ngày 09/03/2022 .Nội dung bao gồm xây dựng nhà xưởng, cung cấp lắp đặt hệ thống máy móc, thiết bị.. Công trình nghiệm thu với Công ty A ngày 29/12/2022. Ngày 09/11/2023 Công ty nghiệm thu hoàn thiện các hạng mục phụ trợ như PCCC và hệ thống điện Và được Sở xây dựng nghiệm thu ngày 26/01/2024 Trong quá trình xây dựng công ty có phát sinh chi phí lãi vay từ sau khi ký hợp đồng xây dựng với Công ty A đến nay tháng 7 năm 2024. Hiện dự án chưa đi vào hoạt động chưa ghi nhận tăng tài sản vẫn hạch toán ở tài khoản 2412. Các tài sản cũng chưa đưa vào sử dụng do Công ty đang trong quá trình xin giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất theo quy định về kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. - Cơ sở pháp lý: + Điểm d1 Khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ thanh toán doanh nghiệp quy định: “d1) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ”. +Theo quy định tại Điều 46 Thông tư 200, Tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang, có 3 tài khoản cấp 2 là 2411, 2412, 2413. Trong đó, Tài khoản 2411 - Mua sắm TSCĐ: Phản ánh chi phí mua sắm TSCĐ và tình hình quyết toán chi phí mua sắm TSCĐ trong trường hợp phải qua lắp đặt, chạy thử trước khi đưa vào sử dụng (kể cả mua TSCĐ mới hoặc đã qua sử dụng). Nếu mua sắm TSCĐ về phải đầu tư, trang bị thêm mới sử dụng được thì mọi chi phí mua sắm, trang bị thêm cũng được phản ánh vào tài khoản này. +Điểm g Khoản 1 Điều 54 Thông tư 200 quy định: “Việc xác định chi phí lãi vay được vốn hóa phải tuân thủ Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”. Việc vốn hóa lãi vay trong một số trường hợp cụ thể như sau: Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng”. -Vấn đề của công ty: 1.Căn cứ các quy định trên Công ty hiểu rằng chi phí lãi vay cho hệ thống máy móc thiết bị cũng được vốn hóa. 2.Quý bộ cho công ty hỏi thời điểm tính vốn hóa lãi vay sẽ đến thời điểm nào? 3.Tài sản hiện đã đã hoàn thành việc mua sắm xây dựng nhưng Công ty chưa đưa tài sản vào sử dụng , chưa tính khấu hao vì công ty chưa có giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất theo quy định về kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có vi phạm gì không? Công ty Kính mong nhận được câu trả lời của Quý Bộ.
08/08/2024
Trả lời:

Trả lời câu hỏi số 310724-21 của Quý độc giả liên quan tài sản cố định, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về vốn hóa chi phí lãi vay

Đoạn 07, 08 chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - Chi phí đi vay (VAS 16) quy định:

“07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này.

08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.”

Tại điểm g khoản 1 Điều 54 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định: “Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng.”

Tại điểm d1 khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định:

“d1) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ.”

Căn cứ vào các quy định nêu trên, khi doanh nghiệp có phát sinh khoản chi phí lãi vay khi mua sắm máy móc, thiết bị thì:

- Trường hợp máy móc, thiết bị phải qua quá trình đầu tư xây dựng và chi phí lãi vay thỏa mãn quy định tại Đoạn 07, 08 VAS 16 và điểm g khoản 1 Điều 54 Thông tư số 200/2014/TT-BTC nêu trên thì khoản chi phí lãi vay này được vốn hóa vào giá trị máy móc, thiết bị.

- Trường hợp máy móc, thiết bị sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng thì chi phí lãi vay không được vốn hóa vào nguyên giá của máy móc, thiết bị đó.

2. Về thời điểm dừng vốn hóa chi phí lãi vay:

Qua nghiên cứu, nội dung câu hỏi chưa nêu rõ tại các thời điểm 29/12/2022, 09/11/2023 và 26/01/2024 là nghiệm thu hạng mục tài sản nào và lý do vì sao sau khi nghiệm thu mà doanh nghiệp chưa thực hiện kết chuyển từ Tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang sang Tài khoản 211 - Tài sản cố định. Do đó, đề nghị doanh nghiệp căn cứ vào các quy định liên quan đến thời điểm dừng vốn hóa chi phí lãi vay tại VAS 16 và Thông tư số 200/2014/TT-BTC cũng như thực tế đặc điểm TSCĐ của doanh nghiệp để xác định thời điểm TSCĐ được đưa vào trạng thái sẵn sàng sử dụng từ đó xác định thời điểm dừng vốn hóa chi phí lãi vay đối với TSCĐ đó cho phù hợp với quy định.

3. Về thời điểm bắt đầu trích khấu hao TSCĐ:

Tại khoản 9 Điều 9 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định: “Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.”

Tại điểm b khoản 1 Điều 38 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định: “Về nguyên tắc, mọi TSCĐ, BĐSĐT dùng để cho thuê của doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất, kinh doanh (gồm cả tài sản chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý) đều phải trích khấu hao theo quy định hiện hành. Khấu hao TSCĐ dùng trong sản xuất, kinh doanh và khấu hao BĐSĐT hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ; khấu hao TSCĐ chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý hạch toán vào chi phí khác. Các trường hợp đặc biệt không phải trích khấu hao (như TSCĐ dự trữ, TSCĐ dùng chung cho xã hội...), doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.”

Theo đó, doanh nghiệp cần căn cứ vào thực tế đặc điểm TSCĐ của mình để xác định thời điểm TSCĐ tăng và bắt đầu trích khấu hao. Việc hạch toán chi phí khấu hao TSCĐ được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Thông tư số 200/2014/TT-BTC nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Quý độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: