Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, tại Ban quản lý dự án chuyên ngành do UBND tỉnh thành lập áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 79/2019/TT-BTC có nghiệp vụ phát sinh rút vốn thuộc kế hoạch vốn năm trước từ tài khoản dự toán tại Kho bạc nhà nước về tài khoản tiền gửi của Ban tại Ngân hàng thương mại vào tháng 01 năm sau (trong thời gian chỉnh lý quyết toán). Căn cứ Điều 4, thông tư 85/2017/TT-BTC quy định về thời hạn khóa sổ, lập báo cáo quyết toán năm quy định: "Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước trong năm thực hiện khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán theo quy định. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau. Các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, khối lượng, công việc đã thực hiện từ ngày 31 tháng 12 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách, thì thời hạn chi, thanh toán ngân sách được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau và được hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm trước". Đơn vị đã thực hiện hạch toán nghiệp vụ phát sinh nói trên vào năm trước (Nợ TK 112/ Có TK 343, đồng thời ghi Có TK009). Tuy nhiên khi khóa số kế toán thì số dư TK112 trên sổ kế toán và số dư tài khoản tiền gửi khi đối chiếu với ngân hàng thương mại tại thời điểm ngày 31/12 sẽ có sự chênh lệch. Việc đơn vị thực hiện hạch toán nghiệp vụ phát sinh nói trên có đúng quy định không? Nếu đúng thì đơn vị xử lý chênh lệch trên như thế nào? Xin cảm ơn!
01/07/2024
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi liên quan đến việc hạch toán tài khoản tiền gửi của Ban quản lý dự án chuyên ngành trong thời gian chỉnh lý quyết toán. Về vấn đề này Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Khoản 3 Điều 6 Luật Kế toán năm 2015 quy định: “3. Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.”

Các chế độ kế toán hiện hành đều quy định rõ nguyên tắc kế toán đối với các tài khoản tiền gửi của đơn vị. Đối với trường hợp đơn vị đang áp dụng Thông tư 79/2019/TT-BTC ngày 14/11/2019 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công, nguyên tắc kế toán Tài khoản 112 “Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc” đã nêu rõ: “Căn cứ để hạch toán trên Tài khoản 112 “Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc” là các giấy báo Có, báo Nợ hoặc bản sao kê của Ngân hàng, Kho bạc kèm theo các chứng từ gốc (ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, séc chuyển khoản, séc bảo chi,...).”.

Trường hợp trong tháng 1 năm sau đơn vị rút dự toán năm trước về tài khoản tiền gửi của đơn vị, tại ngày rút dự toán về tài khoản tiền gửi (tháng 1 năm sau), đơn vị hạch toán, ghi Nợ TK 112/Có TK liên quan (1); đồng thời ghi Có TK 009 “Dự toán chi đầu tư XDCB” (chi tiết TK 0091 “Năm trước”) (2).

Bút toán (1) phản ánh vào sổ kế toán năm hiện hành, các thông tin, số liệu liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính năm phát sinh nghiệp vụ; bút toán (2) phản ánh vào sổ kế toán năm hiện hành nhưng trên tài khoản “năm trước”, thông tin, số liệu liên quan được phản ánh, trình bày trên báo cáo quyết toán năm trước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc hạch toán các nghiệp vụ nêu trên không ảnh hưởng đến việc đối chiếu số dư TK 112 trên sổ kế toán và số liệu tại ngân hàng, kho bạc vào thời điểm 31/12.

Theo đó việc đơn vị hạch toán các nghiệp vụ trên vào năm trước như phản ánh của độc giả là không đúng bản chất của nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Đề nghị lưu ý đối với các khoản đơn vị đã có khối lượng hoàn thành trong năm (đã hạch toán Nợ TK 243/Có TK 331, 338,...), có đầy đủ hồ sơ thanh toán với NSNN theo quy định nhưng dự kiến sẽ rút dự toán (từ nguồn kinh phí đầu tư XDCB dự án, công trình được giao) để thực hiện thanh toán trong thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách (tháng 1 năm sau), thì cuối năm đơn vị phản ánh số dự kiến sẽ được NSNN thanh toán này vào tài khoản phải thu (bút toán Nợ TK 138 “Phải thu khác” (chi tiết khoản phải thu từ NSNN)/Có TK 343 “Nguồn kinh phí đầu tư XDCB dự án, công trình”) để theo dõi thanh toán trong năm sau, không phản ánh vào sổ kế toán các tài khoản tiền.

2. Theo quy định hiện hành, Ban quản lý dự án chuyên ngành sử dụng vốn đầu tư công là đơn vị sự nghiệp công lập; căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Ngày 17/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (áp dụng từ năm tài chính 2025); trường hợp đơn vị đang áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư số 79/2019/TT-BTC thì đến cuối năm 2024 phải thực hiện chuyển sổ để thực hiện chế độ kế toán mới theo quy định.

3. Ngoài ra, câu hỏi của độc giả có dẫn chiếu đến quy định tại Thông tư số 85/2017/TT-BTC, đề nghị độc giả lưu ý Thông tư số 85/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 quy định việc quyết toán tình hình sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm hiện nay đã bị bãi bỏ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán (có hiệu lực từ 01/01/2022).

Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: