Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ tài chính. Tôi hiện đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tôi có một thắc mắc là đơn vị tôi là đơn vị hành chính, khi tôi chi tiền lễ tết cho cán bộ vào mục 6250 ( Phúc lợi tập thể) và tiểu mục 6299 thì bị kho bạc từ chối và yêu cầu đơn vị tôi phải trích lập quỹ phúc lợi và hạch toán vào mục 7950(Chi lập các quỹ của đơn vị thực hiện khoán chi và đơn vị sự nghiệp có thu theo chế độ quy định) và tiểu mục 7952 (chi lập quỹ phúc lơi), đơn vị tôi là đơn vị hành chính không có thu và trong quy chế chi tiêu nội bộ cũng quy định rõ các khoản chi phúc lợi tập thể ,nhưng kho bạc hướng dẫn đơn vị tôi chi vào mục 7950 là đúng hay sai ? và có văn bản nào hướng dẫn về chi phúc lợi tập thể cho đơn vị hành chính không thu không ? và phúc lợi tập thể có được chi trực tiếp từ nguồn NSNN không ?. Tôi xin chân thành cảm ơn !
17/08/2020
Trả lời:

Theo quy định tại tiết c Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước; Theo quy định tại tiết c Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, thì Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV, như vậy việc chi phúc lợi tập thể của Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện theo các quy định chi tiết tại Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV, cụ thể:

- Tại tiết a Khoản 7 Điều 3 khái niệm kinh phí tiết kiệm như sau: Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm.

- Tiết b Khoản 7 Điều 3 quy định về kinh phí tiết kiệm được sử dụng cho các nội dung, trong đó cho chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể: “Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể: Hỗ trợ các hoạt động đoàn thể; hỗ trợ các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm (kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thương binh liệt sỹ, ngày quân đội nhân dân...), trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất; trợ cấp ăn trưa, chi đồng phục cho cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan; trợ cấp hiếu, hỷ, thăm hỏi ốm đau; trợ cấp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; hỗ trợ cho cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế; chi khám sức khỏe định kỳ, thuốc y tế trong cơ quan; chi xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi;”

- Khoản 4 Điều 5 quy định về hạch toán kế toán:

“a) Đối với các khoản chi thực hiện chế độ tự chủ được hạch toán vào các mục chi của mục lục ngân sách theo quy định hiện hành.

b) Đối với một số khoản chi từ nguồn kinh phí tiết kiệm được hạch toán như sau: Khoản chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, hạch toán vào mục 6400-các khoản thanh toán khác cho cá nhân, tiểu mục 6404-chi chênh lệch thu nhập thực tế so với lương ngạch bậc, chức vụ; khoản chi khen thưởng, hạch toán vào mục 6200-tiền thưởng, tiểu mục 6249-khác; khoản chi phúc lợi và trợ cấp thêm ngoài những chính sách chung cho những người tự nguyện về nghỉ việc trong quá trình tổ chức sắp xếp lại lao động, hạch toán vào mục 6250-phúc lợi tập thể, tiểu mục 6299-khác của mục lục ngân sách nhà nước.”

          Như vậy, theo các quy định nêu trên các khoản chi phúc lợi tập thể được chi trực tiếp từ kinh phí ngân sách nhà nước và hạch toán vào tiểu mục 6299-khác của mục 6250-phúc lợi tập thể.

Gửi phản hồi: