Căn cứ Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ hợp thứ 10, Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ hợp thứ 7 và các văn bản dưới Luật (như Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015, ...) có quy định:
- Về hình thức hợp đồng thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập bằng văn bản thì phải tuân theo các quy định – Điều 24, Mục 1 chương II của Luật Thương mại số 36/2005/QH11;
- Hình thức của hợp đồng xây dựng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật – Điều 6, Chương I Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. Việc ký tên được thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 10, chương II Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ quy định định về công tác văn thư; Theo đó khi ký văn bản không được dùng bút chì, không dùng mực đỏ hoặc các thứ mực dễ phai, để đảm bảo chữ ký không bị mờ hay tẩy xóa hay không trùng với màu đỏ của con dấu.
Về việc lập hóa đơn được thực hiện theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ, tại Điều 16 có quy định: “…phải dùng cùng một màu mực, không dùng bút chì, mực đỏ hoạc các thứ mực dễ phai…”
Từ những quy định trên cho thấy chưa có quy định màu mực viết ở chỗ trống (dấu …) để điền thông tin bên A và bên B của hợp đồng phải giống màu mực in; Tuy nhiên, khi viết những chỗ còn trống (dấu…) trên cùng một văn bản (hợp đồng) được in sẵn thì việc lập văn bản phải được thống nhất trong việc sử dụng loại mực, không dùng bút chì (do bút chi dễ bị tẩy xóa), mực đỏ hoặc các thứ mực dễ phai để đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản.