Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, đơn vị tôi là cơ quan quản lý nhà nước (sở Y tế) thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 130/2005/NĐ-CP. Tôi có câu hỏi kính nhờ quý Bộ giải đáp như sau: căn cứ Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí, lệ phí. Theo quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP quy định: “ Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí bao gồm: a) Cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ.” Và tại điểm b, khoản 4, Điều 1 quy định : “ Ngoài các nội dung chi tại khoản 2 Điều này, tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, tiền phí để lại được sử dụng theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.” sau khi hoàn thành các nhiệm vụ chi từ hoạt động thu phí, phần chênh lệch thu lớn hơn chi, kết thúc năm tài chính, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ chi từ hoạt động thu phí, phần chênh lệch thu lớn hơn chi, đơn vị xác định là kinh phí tiết kiệm để chi cho các hoạt động thường xuyên, chi khen thưởng, phúc lợi, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị có phù hợp hay không ? Kính mong Bộ tài chính giải đáp, Xin chân thành cám ơn!
27/09/2024
Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP:

         - Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP đã quy định các nội dung chi phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ thu phí từ nguồn thu phí được để lại gồm: chi thực hiện chế độ tự chủ và chi không thực hiện chế độ tự chủ.

         - Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP sửa đổi khoản 4, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định:

         “4. Số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí chi cho các nội dung tại khoản 2 Điều này: Đối với cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP[1], Nghị định số 117/2013/NĐ-CP[2]

         5. Hằng năm, tổ chức thu phí (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi, tổ chức thu phí phải báo cáo Bộ quản lý chuyên ngành, để báo cáo Bộ Tài chính (đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội); báo cáo Sở quản lý chuyên ngành (đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh)), để báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để nộp ngân sách nhà nước hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi tỷ lệ để lại cho phù hợp”.

         Như vậy, việc sử dụng kinh phí từ nguồn phí được để lại thực hiện theo quy định tại Luật phí, lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và Nghị định số 82/2023/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quy định riêng của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, tiền phí để lại được sử dụng theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

       Đề nghị quý độc giả căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện nhiệm vụ phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.



[1] Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước

[2]  Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 7/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP

Gửi phản hồi: