Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Đơn vị BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được giao tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên tại Điều 15 của Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, cụ thể hàng năm UBND tỉnh Bình Thuận đều có các quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho đơn vị là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó nguồn tài chính của đơn vị sẽ bao gồm: Ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên; Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; Nguồn ngân sách cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên; Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; Nguồn khác. Theo quy định này thì nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần kinh phí này được sử dụng như kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên: quy định tại Khoản 3 Điều Điều 15 của Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ: Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 01 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định. Xin hỏi theo quy định này thì nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần kinh phí này (phần chênh lệch thu - chi) được sử dụng như kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên: đơn vị được chi thu nhập tăng thêm cho viên chức và người lao động hay không.
22/11/2024
Trả lời:

a) Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2021, thay thế Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 đã quy định cụ thể nguồn thu, chi tài chính; quy định về phân phối kết quả tài chính trong năm, trong đó có quy định về sử dụng quỹ để chi bổ sung thu nhập cho người lao động trong năm đối với từng loại mức tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

b) Quy định pháp luật về lâm nghiệp:

- Tại khoản 1 Điều 63 Luật Lâm Nghiệp quy định: "1. Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm: a) Chủ rừng được quy định tại Điều 8 của Luật này; b) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập; c) Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật.

- Khoản 5 Điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017 giao: 5. Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng và điều chỉnh, miễn, giảm mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

          - Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, theo đó tại điểm c, điểm d Khoản 3 Điều 70 về việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng quy định:

c) Chủ rừng là tổ chức không bao gồm điểm b khoản 3 Điều này không khoán bảo vệ rừng hoặc khoán một phần diện tích, toàn bộ số tiền nhận được tương ứng với diện tích rừng tự bảo vệ được sử dụng cho các hoạt động phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng....

Số tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được cho diện tích chủ rừng tự bảo vệ là nguồn thu của chủ rừng, chủ rừng quản lý theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng;

d) Chủ rừng là tổ chức được quy định tại điểm c khoản 3 Điều này có khoán bảo vệ rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư được trích 10% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng khoán bảo vệ nêu trên để chi cho công tác quản lý các khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng...

Số tiền trích để chi cho công tác quản lý của chủ rừng được coi là nguồn thu của chủ rừng và được quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng.

Căn cứ các quy định nêu trên, số tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả cho chủ rừng là nguồn thu của chủ rừng và quản lý theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng. Việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Do đó, đề nghị độc giả căn cứ quy định pháp luật lâm nghiệp nêu trên, căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị để xác định đối tượng được chỉ trả tiền dịch vụ môi trường rừng và sử dụng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng cho phù hợp với quy định. Trên cơ sở đó, áp dụng quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng và nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP nêu trên và các văn bản hướng dẫn có liên quan trong trường hợp là đơn vị sự nghiệp công lập.

         Bộ Tài chính trả lời để độc giả được biết và thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Gửi phản hồi: