Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính. Hiện nay, Tôi đang làm việc tại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Thực hiện nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, nhu cầu của người dân. Năm 2024, Uỷ ban nhân dân huyện Mai Sơn thực hiện phân bổ nguồn vốn triển khai Nội dung tại điểm a, Khoản 2, Điều 108, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định: “Chi hỗ trợ xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT. Tùy thuộc vào nội dung của từng mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ các quy định chi tiêu tài chính hiện hành để thực hiện. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, nội dung chi xây dựng, quản lý mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 12 và khoản 13 Điều 4 Thông tư này”. Như vậy, để đảm bảo nguồn vốn được triển khai đúng theo các văn bản hướng dẫn hiện hành, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân huyện Mai Sơn có được áp dụng Điểm a, Khoản 2, Điều 108, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính để triển khai nội dung mua sắm dụng cụ lưu trữ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng không?. (Trường hợp nếu không mua sắm được dụng cụ lưu trữ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, kính mong Bộ Tài chính hướng dẫn để huyện có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định). Trân trọng cám ơn Quý Bộ và mong Bộ quan tâm, xem xét hướng dẫn cơ quan tham mưu cho UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La triển khai./.
22/11/2024
Trả lời:

-         Điểm a khoản 2 Điều 108 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/08/2023 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi và mức chi thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới như sau:

“a) Chi hỗ trợ xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT. Tùy thuộc vào nội dung của từng mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ các quy định chi tiêu tài chính hiện hành để thực hiện. Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, nội dung chi xây dựng, quản lý mô hình thực hiện theo quy định tại khoản 12 và khoản 13 Điều 4 Thông tư này;

-         Khoản 12, khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/08/2023 quy định:

“12. Chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện dự án, kế hoạch, phương án, mô hình đối với Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới (không bao gồm các dự án, kế hoạch, phương án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất): Mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương tối đa không quá 70% kinh phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình được phê duyệt đối với các huyện miền núi, không quá 50% kinh phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình được phê duyệt đối với các huyện còn lại.

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, điều kiện thực tế của từng dự án, kế hoạch, phương án, mô hình, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định mức hỗ trợ thực hiện một (01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình do trung ương thực hiện; cơ quan phê duyệt dự án, kế hoạch, phương án, mô hình do địa phương thực hiện quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án, kế hoạch, phương án, mô hình nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

13. Chi xây dựng và quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện như sau:

a) Chi phí lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (bao gồm chi phí khảo sát, đánh giá; thành lập hội đồng lựa chọn dự án, mô hình; lựa chọn đơn vị đặt hàng, giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ; thẩm định giá trong phương án mua sắm vật tư, hàng hóa, dịch vụ) được tính trong kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất hoặc kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; không vượt quá 5% tổng kinh phí được giao để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung, mức chi cụ thể như sau:

- Chi lập và xây dựng, họp hội đồng thẩm định lựa chọn dự án, mô hình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các Điều 2, 3, 4, 5 và 6 Thông tư số 03/2023/TT-BTC;

- Chi khảo sát, xác định, lựa chọn địa bàn thực hiện, đối tượng tham gia dự án, mô hình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC;

b) Chi triển khai, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

c) Chi khác về quản lý dự án, kế hoạch, phương án, mô hình (nếu có): Mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và theo thực tế phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, kế hoạch, phương án, mô hình quyết định.”

Căn cứ quy định nêu trên, nội dung triển khai cụ thể (có mua sắm dụng cụ lưu trữ bao gói thuốc bảo vệ thực vật hay không…) của từng mô hình sẽ do cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn của Bộ NN và PTNT tại Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT.

Về dự toán thực hiện thì căn cứ dự toán được cấp thẩm quyền giao, cơ quan phê duyệt mô hình do địa phương thực hiện quyết định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện nhưng không vượt định mức hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, trong đó mức hỗ trợ từ nguồn NSTW tối đa không quá 70% kinh phí thực hiện một mô hình được phê duyệt đối với các huyện miền núi, không quá 50% kinh phí thực hiện một mô hình được phê duyệt đối với các huyện còn lại, theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC; chi phí xây dựng và quản lý mô hình thực hiện theo khoản 13 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC. Việc mua sắm nếu có thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu và quy định pháp luật có liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 55/2023/TT-BTC.

Do đó, đề nghị độc giả căn cứ các quy định nêu trên để tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc về nội dung cụ thể triển khai thực hiện mô hình thì đề nghị độc giả hỏi Bộ NN và PTNT là cơ quan chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Gửi phản hồi: