Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí, lệ phí “Hằng năm, tổ chức thu phí (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) phải quyết toán thu chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chitheo chế độ theo quy định ; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi tổ chức thu phí phải báo cáo Bộ quản lý chuyên ngành để báo cáo Bộ tài chính (đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính,….để nộp ngân sách nhà nước hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi tỷ lệ cho phù hợp” Quý cơ quan cho em hỏi đơn vị em là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì sau khi kết thúc năm tài chính, số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị em có được trích lập các quỹ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hay phải chuyển năm sau tiếp tục thực hiện theo quy định nêu trên. Kính mong được sự phúc đáp của Quý cơ quan để đơn vị em triển khai thực hiện đúng theo quy định. Trân trọng!
09/08/2024
Trả lời:

Theo quy định tại mục 2 khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; số tiền phí để lại cho tổ chức thu phí để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí trên cơ sở dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được phân bổ thành 02 phần; cụ thể như sau:

1) Chi thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập: chi thường xuyên giao tự chủ).

Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; số tiền phí để lại thực hiện nội dung chi thường xuyên giao tự chủ khi kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ; đơn vị sự nghiệp công thực hiện phân phối kết quả tài chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 (đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2) và Điều 10 Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022.

2. Chi nhiệm vụ không thường xuyên (đối với đơn vị sự nghiệp công lập: chi thường xuyên giao tự chủ)

 Đối với khoản chi thường xuyên không giao tự chủ từ nguồn thu phí được để lại chưa chi trong năm, phần thu phí được để lại theo tỷ lệ chưa được giao và phân bổ (vượt dự toán được giao), khi kết thúc năm tài chính đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại mục 5 khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023. Riêng phần thu phí được để lại theo tỷ lệ chưa được giao và phân bổ khi kết thúc năm tài chính được chuyển sang năm sau đơn vị sự nghiệp công thực hiện phân bổ thành 02 phần: (i) chi thường xuyên giao tự chủ, (ii) chi thường xuyên không giao tự chủ; để quản lý, sử dụng theo chế độ quy định của Luật Phí, lệ phí.

 Đề nghị, độc giả căn cứ các quy định nêu trên để tham mưu cho đơn vị thực hiện theo đúng quy định. 

Gửi phản hồi: