Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi BTC, trường tôi là đơn vị HCSN trực thuộc Bộ GDĐT. Tôi có thắc mắc như sau liên quan thủ tục và hạch toán khi sử dụng TSCĐ có nguồn gốc NSNN: 1. Về thủ tục: Trường tôi có lập đề án cho thuê một phần tòa nhà giảng đường, phục vụ việc mở các lớp học đào tạo, bồi dưỡng, …. Song song đó, trường cũng sử dụng máy móc, thiết bị để gia công, kiểm định cho các công ty. Hỏi: Trường có phải bổ sung vào đề án việc sử dụng tên từng TSCĐ cụ thể hay không? 2. Về hạch toán: Ví dụ trường sử dụng TSCĐ mua từ NSNN (trước đó đã hạch toán Nợ 211 Có 366; đồng thời Có 008) vào hoạt động hành chính và hoạt động SXKD theo tỷ lệ 70-30. Việc hạch toán khi trích hao mòn và khấu hao như sau có đúng không? Nợ 611 Có 214; đồng thời Nợ 366 Có 511: 70% Nợ 642 Có 214; đồng thời Nợ 421 Có 43141: 30% Hỏi: - TK 366: Sau khi hết thời gian sử dụng, số dư còn lại ở TK 366 được kết chuyển vào TK nào, hay sẽ tính hao mòn tới khi về 0 (số dư còn lại do 1 phần trích vào TK 642 thay vì 100% vào TK 611). Tôi nhận thấy thay vì hạch toán Nợ 421 Có 43141 thì hạch toán Nợ 366 Có 43141 sẽ không làm lệch TK 421 và 366; - Xuất hóa đơn: Trường có ký hợp đồng NCKH với Sở KHCN, đề tài này có sử dụng TSCĐ công, chính vì thế trường tôi có thu lại một khoản tiền tương ứng với chi phí khấu hao TSCĐ này, và hạch toán vào chi phí đề tài. Như vậy có phải trường đã hạch toán bị gấp đôi chi phí (vừa chi phí khấu hao, vừa chi phí đề tài), Và khi tính vào chi phí của đề tài như thế, phía Sở KHCN khi quyết toán đề tài có yêu cầu trường xuất hóa đơn tài chính cho khoản chi phí khấu hao này, thì trường có được xuất không? Cách làm nào mới là đúng theo quy định. Rất mong nhận được sự tư vấn từ Bộ Tài Chính. Xin chân thành cảm ơn.
03/01/2024
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi liên quan đến việc việc sử dụng và hạch toán tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập. Về vấn đề này Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

          1. Về việc đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê:

        Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 2 Điều 55, Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các khoản 1, 2 và 3 Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công) quy định: (i) Yêu cầu, điều kiện được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; (ii)  Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê (thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt Đề án); theo đó: lập Đề án theo mẫu số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, đối với tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê nêu tại Đề án cần phải nêu rõ các thông tin có liên quan như: Tên tài sản, chủng loại, số lượng… theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; (iii) Tổ chức thực hiện Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê (trong đó có việc quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản); (iv) Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê.

          Theo đó, trường hợp đơn vị của độc giả sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, đề nghị nghiên cứu các nội dung nêu trên để tổ chức chức thực hiện đảm bảo quy định.

2. Về hạch toán hao mòn, khấu hao tài sản cố định hình thành từ nguồn NSNN:

Nguyên tắc và bút toán hạch toán có liên quan đối với các nội dung này đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Đề nghị độc giả nghiên cứu các quy định có liên quan  tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC (như hướng dẫn TK 211 “Tài sản cố định hữu hình”, TK 213 ‘Tài sản cố định vô hình”, TK 366 “Các khoản nhận trước chưa ghi thu”,...) để hạch toán đúng quy định.

 2.1. Đối với việc hạch toán doanh thu - chi phí liên quan đến khấu hao, hao mòn tài sản cố định:

a. Về hạch toán chi phí đối với khoản tính (trích) hao mòn, khấu hao tài sản cố định:

Việc tính hao mòn, trích khấu hao TSCĐ hiện nay thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong đó Khoản 2 Điều 15 Thông tư 23/2023/TT-BTC quy định:

“2. Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư này vừa sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện như sau:

a) Đơn vị thực hiện tính toán, xác định tổng giá trị hao mòn và khấu hao trong năm của tài sản cố định theo mức hao mòn hàng năm quy định tại Điều 14 Thông tư này.

b) Căn cứ thời gian sử dụng, tần suất sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành, đơn vị tính toán phân bổ số khấu hao và số hao mòn trong tổng giá trị hao mòn và khấu hao trong năm đã xác định tại điểm a khoản này để hạch toán vào chi phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chi phí kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đối với số khấu hao; thực hiện hạch toán kế toán hao mòn tài sản cố định đối với số hao mòn.”

Căn cứ các quy định nêu trên, việc hạch toán chi phí đối với khoản tính (trích) hao mòn, khấu hao tài sản cố định phụ thuộc vào thực tế sử dụng tài sản và việc phân bổ số hao mòn, khấu hao vào chi phí của các hoạt động có liên quan của đơn vị (bút toán Nợ TK 154, 611, 642,.../Có TK 214).

b. Về hạch toán doanh thu liên quan đến khấu hao, hao mòn TSCĐ, hướng dẫn Tài khoản 366 “Các khoản nhận trước chưa ghi thu” tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC đã nêu bút toán cụ thể việc kết chuyển TK 366 sang TK 511 như sau:

“- Cuối năm, đơn vị căn cứ Bảng phân bổ khấu hao, hao mòn TSCĐ hình thành bằng nguồn NSNN cấp đã tính (trích) trong năm để kết chuyển từ TK 366 sang TK 511, ghi:

Nợ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611)

            Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp.”

Theo đó, số liệu kết chuyển từ TK 366 (36611) sang TK 511 là toàn bộ số khấu hao, hao mòn đã tính (trích) trong năm (không phải chỉ bao gồm số hao mòn trong năm như thư độc giả nêu). Vì vậy nếu thực hiện theo quy định nêu trên sẽ không phát sinh tình huống hết thời gian sử dụng vẫn còn số dư trên TK 366.

2.2. Về tình huống đơn vị ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với Sở KHCN trong đó có sử dụng TSCĐ hình thành từ nguồn NSNN, trong đó độc giả phản ánh “...trường có thu lại một khoản tiền tương ứng với chi phí khấu hao TSCĐ này, và hạch toán vào chi phí đề tài”:

Đây là trường hợp đơn vị phát sinh doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến hợp đồng đã ký (trong đó chi phí khấu hao đã tính vào giá dịch vụ nên trong doanh thu đã bao gồm phần thu hồi chi phí khấu hao TSCĐ). Đồng thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản liên quan về quản lý, sử dụng tài sản công; số thu hồi chi phí khấu hao TSCĐ từ khoản doanh thu này được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (bút toán Nợ TK 421/Có TK 43141).

Về hạch toán chi phí, theo điểm a mục 2.1 nêu trên, chi phí khấu hao của TSCĐ sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học được phân bổ và hạch toán vào chi phí hoạt động dịch vụ (chi phí thực hiện đề tài) của đơn vị (bút toán Nợ TK 154, 642,.../Có TK 214). Vì vậy nếu thực hiện theo quy định nêu trên sẽ không phát sinh việc “hạch toán bị gấp đôi chi phí (vừa chi phí khấu hao, vừa chi phí đề tài)” như nội dung độc giả đã nêu.

3. Về việc lập hóa đơn:

3.1. Căn cứ nội dung câu hỏi độc giả thì hoạt động nghiên cứu khoa học của trường là hoạt động cung cấp dịch vụ của trường với Sở KHCN trên cơ sở hợp đồng kinh tế được ký giữa 2 bên. Việc quản lý, sử dụng hóa đơn của đơn vị có hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định hiện hành tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ (có hiệu lực từ 01/7/2022). Đề nghị lưu ý một số nội dung sau:

- Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

- Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”

Căn cứ nội dung nêu trên, đơn vị xuất hóa đơn trên cơ sở hoạt động cung cấp dịch vụ đã hoàn thành, hoặc khi đơn vị đã thu tiền trước hoặc trong quá trình cung cấp dịch vụ; không quy định phải xuất hóa đơn theo từng loại chi phí phát sinh (như chi phí khấu hao mà độc giả đã nêu).

3.2. Về hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc nghiệm thu, thanh toán đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nêu trên, do đối tượng phải thanh toán với ngân sách nhà nước là Sở KHCN, theo đó đơn vị cung cấp hồ sơ, chứng từ căn cứ theo hợp đồng đã ký với Sở KHCN, đảm bảo hồ sơ thanh quyết toán của Sở KHCN đối với hoạt động này theo quy định hiện hành.

Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: