Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi hiện đang công tác tại một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Bộ (Đơn vị sự nghiệp công lập không có con dấu, tài khoản riêng, không có mã số ngân sách cấp. Hiên tại, đơn vị ngoài việc thụ hưởng tiền lương và điện, nước từ Văn phòng bộ thì tự đảm bảo các hoạt động chi thường xuyên bằng các nguồn thu hoạt động dịch vụ tại đơn vị và được hạch toán theo Quy chế Quản lý tài chính của đơn vị và báo sổ Văn phòng Bộ vào kỳ kế toán cuối năm). Tôi xin hỏi cụ thể một vấn đề như sau: Hiện nay, đơn vị kế toán cấp trên (Văn phòng Bộ) đang yêu cầu đơn vị tôi: Dừng toàn bộ việc chi bằng tiền mặt có giá trị trên 5 triệu đồng tại đơn vị (bằng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ), chuyển hết các khoản chi này sang chi bằng tiền gửi tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại (nếu có), đơn vị kế toán cấp trên có nói là thực hiện theo thông tư 13/2017/TT-BTC. Nhưng thông tư 13 này chỉ quy định quản lý thu, chi và áp dụng đối với các đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước chứ không áp dụng đối với các đơn vị không thụ hưởng ngân sách nhà nước như đơn vị của tôi. Vì vậy Bộ Tài chính cho tôi hỏi rằng: - Kết luận của đơn vị kế toán chuyên quản như vậy có chính xác hay không? - Có văn bản nào quy định về việc định mức chi tiền mặt tại đơn vị hay không Thay mặt đơn vị tôi xin chân thành cảm ơn
03/09/2020
Trả lời:

1. Các nội dung được chi bằng tiền mặt của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế và các cá nhân khác có thu, chi bằng tiền mặt hoặc thanh toán qua hệ thống KBNN được quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13/2017/TT-BTC) và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC (sau đây gọi tắt là Thông tư số 136/2018/TT-BTC).

2. Đối tượng áp dụng Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Thông tư số 136/2018/TT-BTC bao gồm:

- Các đơn vị thuộc hệ thống KBNN;

- Các đơn vị sử dụng NSNN: là đơn vị dự toán ngân sách được giao trực tiếp quản lý, sử dụng NSNN.

- Các đơn vị giao dịch: bao gồm các đơn vị sử dụng NSNN; các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế và các cá nhân khác có thu, chi bằng tiền mặt hoặc thanh toán qua hệ thống KBNN.

Tại điểm a, b khoản 1 Điều 16 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

“a) Đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng thương mại hoặc KBNN để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN. Lãi tiền gửi là nguồn thu của đơn vị và được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào quỹ khác theo quy định của pháp luật, không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập;

b) Các khoản kinh phí thuộc NSNN, các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí, đơn vị mở tài khoản tại KBNN để phản ánh.”

Như vậy, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập mở tài khoản tại KBNN để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN hoặc mở tài khoản tại KBNN để phản ánh các khoản kinh phí thuộc NSNN, các khoản thu dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí thì đơn vị đó là đơn vị giao dịch thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Thông tư số 136/2018/TT-BTC.

Gửi phản hồi: