1. Về mã tính chất nguồn 14
Theo quy định tại
Thông tư điều hành dự toán hàng năm của Bộ Tài chính quy định: khi phân
bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định số tiết kiệm
10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương,
các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dành
cho cải cách tiền lương.
Theo đó, Thông tư số
77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về hướng dẫn chế độ kế
toán Ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc nhà nước (Danh mục Mã
nguồn ngân sách nhà nước, Phụ lục số III.11) quy định: nguồn thực hiện chính
sách tiền lương giữ lại tại đơn vị dự toán các cấp dành cho cái cách tiền lương
theo quy định và được theo dõi riêng ở phân đoạn mã nguồn NSNN trong tổ hợp tài
khoản, được mã hóa là mã nguồn 14.
Ví dụ:
Trên cơ sở Quyết định giao dự toán của UBND tỉnh cho đơn vị dự
toán cấp 1: Tổng dự toán giao là 100 tỷ đồng, cơ quan tài chính xác định 10%
tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo
lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ)
dành nguồn để thực hiện chính sách tiền lương là 5 tỷ đồng, khi phân bổ cho đơn
vị dự toán cấp 1, thực hiện phân bổ vào tính chất nguồn 14- Kinh phí thực hiện
chính sách tiền lương 5 tỷ đồng.
Quy trình phân bổ dự toán từ đơn vị dự toán cấp 1 đến đơn vị
sử dụng ngân sách thực hiện tương tự.
2. Xác định trách
nhiệm hạch toán số liệu đối với nguồn thực hiện chính sách tiền lương còn tồn
tại đơn vị sử dụng ngân sách chuyển nguồn từ năm 2023 sang năm 2024:
- Khoản 4 và khoản 7 Điều 26, Thông tư số 342/2016/TT-BTC
ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN (Thông tư số
342/2016/TT-BTC), quy định:
“4. Dự toán ngân sách giao cho đơn vị,
dự án, công trình đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau chưa sử dụng hoặc sử dụng
chưa hết (gọi là số dư dự toán) bị hủy bỏ; trừ các trường hợp được chuyển sang
ngân sách năm sau chi tiếp theo quy định tại Điều 43 Nghị định số
163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Việc chuyển số dư dự toán sang ngân sách năm sau
chi tiếp thực hiện như sau:
b) Căn cứ quy định về chuyển nguồn
ngân sách (thời hạn được chi, nội dung dự toán cấp có thẩm quyền giao và điều
kiện được chuyển nguồn của các khoản chi), Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch đối
chiếu, xác nhận dự toán đã sử dụng, dự toán chưa sử dụng cho đơn vị và thực
hiện chuyển số dư dự toán ngân sách năm trước sang dự toán ngân sách năm sau
theo quy định;…
7. Cơ quan tài chính thực hiện chi
chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau và quyết toán chi theo niên
độ ngân sách:
c) Căn cứ các nhiệm vụ và tổng số
kinh phí được chuyển sang ngân sách năm sau theo quy định tại điểm a và điểm b
khoản này, cơ quan tài chính, Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với ngân sách cấp xã)
có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để Kho bạc Nhà nước hạch toán
thu, chi chuyển nguồn sang năm sau theo quy định”;
Từ các căn cứ trên, trách nhiệm của KBNN và cơ quan tài chính
như sau:
- KBNN nơi giao dịch chịu trách nhiệm thực hiện chuyển nguồn
dự toán còn dư tại các đơn vị sử dụng ngân sách (theo quy định được chuyển
nguồn), bao gồm cả nguồn thực hiện chính sách tiền lương được giữ lại tại các
ĐVSDNS và chịu trách nhiệm về số liệu chuyển nguồn của các đơn vị sử dụng ngân
sách.
- Cơ quan tài chính chịu trách trách nhiệm tổng hợp kinh phí
của ngân cấp mình được chuyển nguồn sang năm sau về tổng số kinh phí và chi
tiết nội dung kinh phí chuyển nguồn, trong đó, chi tiết nguồn thực hiện chính
sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo
trợ xã hội theo quy định tại Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm
2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước
(Tiểu mục 0963).
3. Hướng dẫn việc hạch toán mã tính chất nguồn kinh phí khi
thực hiện phân bổ dự toán bổ sung cho các đơn vị sử dụng ngân sách từ nguồn
thực hiện chính sách tiền lương để thực hiện chính sách tiền lương mới
Từ các nội dung nêu tại điểm 1, 2 nêu trên, nguồn thực hiện
chính sách tiền lương là nguồn còn lại để thực hiện chính sách tiền lương mới,
bao gồm: nguồn thực hiện chính sách tiền lương theo dõi tại đơn vị dử dụng ngân
sách (mã tính chất nguồn 14) và nguồn thực hiện chính sách tiền lương theo dõi
tại cấp ngân sách. Trên cơ cở Quyết định của cấp có thẩm quyền quyết định phân
bổ dự toán bổ sung cho các đơn vị sử dụng ngân sách từ nguồn thực hiện chính
sách tiền lương để thực hiện chính sách tiền lương mới thực hiện như sau:
(1) Trường hợp nguồn thực hiện chính sách tiền lương theo dõi
tại đơn vị sử dụng ngân sách (KBNN theo dõi)
KBNN nơi giao dịch thực hiện hạch toán chuyển từ nguồn cải
cách tiền lương (mã tính chất nguồn 14) sang Quỹ lương cơ bản để thực hiện chi
cải cách tiền lương.
(2) Trường hợp nguồn cải cách tiền lương tích lũy đang được
theo dõi, quản lý tại cấp ngân sách (cơ quan tài chính theo dõi):
Cơ quan tài chính thực hiện phân bổ và giao dự toán vào Quỹ
lương cơ bản của đơn vị (không thực hiện phân bổ và giao dự toán chi lương phần
tăng thêm vào nguồn cải cách tiền lương - mã tính chất nguồn chi 14).
KBNN kiểm soát chi trên cơ sở quyết định giao dự toán của cơ
quan có thẩm quyền.
(Thực hiện theo quy trình phân bổ dự toán theo công văn số
15602/BTC-KBNN ngày 17/11/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn kế toán dự toán,
lệnh chi tiền ngân sách địa phương)
4. Hướng dẫn hạch toán mã nguồn kinh phí đối với kinh phí bổ
sung cho đơn vị sử dụng ngân sách để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ
nguồn cải cách tiền lương.
Tại điểm b, Khoản 1 Điều 5, Thông tư số 13/2024/TT-BTC ngày
23/02/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập
dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản
biên chế, quy định:
“Đối với các địa phương:
Căn cứ tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế (bao
gồm số đối tượng tinh giản biên chế và số tiền trợ cấp cho từng đối tượng tinh
giản biên chế do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đối
tượng tinh giản biên chế lập và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy định tại
khoản 3 Điều 12 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP), kế hoạch thực hiện tinh giản biên
chế năm sau liền kề theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số
29/2023/NĐ-CP, các địa phương xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách
tinh giản biên chế năm kế hoạch tổng hợp chung vào nhu cầu thực hiện cải cách
tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”.
Từ nội dung nêu trên, việc thực hiện hạch toán mã nguồn kinh
phí bổ sung cho đơn vị sử dụng ngân sách để thực hiện chính sách tinh giản biên
chế từ nguồn thực hiện chính sách tiền lương theo đúng hướng dẫn tại điểm 3 nêu
trên.
5. Trách nhiệm theo dõi, báo cáo tình hình sử dụng đối với
nguồn cải cách tiền lương được theo dõi, quản lý tại ĐVSDNS:
Từ các nội dung nêu trên, chịu trách nhiệm hạch toán và báo
cáo nguồn kinh phí cải cách tiền lương giữ tại đơn vị sử dụng ngân sách theo
quy định.