Căn cứ khoản 1 Điều 26 Luật Hải
quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 quy định về phân loại hàng hóa: “Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan,
tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu Việt Nam”;
Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01
năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại
hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; Thông
tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 03
năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải
quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu; Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính
sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm
2015;
Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam
ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính
thì:
+ Nhóm 86.03 “Toa
xe khách, toa xe hàng và toa xe hành lý, loại tự hành dùng trên đường sắt hoặc
đường tàu điện, trừ loại thuộc nhóm 86.04”
+ Nhóm 86.04 “Xe bảo dưỡng hoặc phục
vụ dùng trong đường sắt hoặc đường tàu điện, loại tự hành hoặc không (ví dụ,
toa xưởng, xe gắn cần cẩu, máy chèn đường, máy đặt ray, toa xe thử nghiệm và xe
kiểm tra đường ray)”.
+ Nhóm 86.06 “Toa xe hàng và toa goòng dùng trên đường sắt
hoặc đường tàu điện, không tự hành.”
- Tham khảo chú giải Tổng quát Chương 86:
“Chương này bao gồm các đầu máy và toa xe, và các bộ
phận của chúng, và một số bộ phận cố định và khớp nối, cho đường sắt hoặc đường
tàu điện các loại (kể cả đường ray có khoảng cách hẹp, đường sắt một ray...).
Chương này cũng bao gồm các công-ten-nơ được thiết kế và trang bị đặc biệt để vận
chuyển bằng một hoặc nhiều phương thức vận tải. Chương này cũng bao gồm Thiết bị
tín hiệu, an tòan hoặc điều khiển giao thông các lọai bằng cơ (kể cả cơ điện) (kể cả loại dùng cho việc đỗ xe).
Những hàng hoá khác nhau này được phân loại như sau:
(A)
Phương tiện đường sắt tự hành các lọai, như đầu máy, toa xe hay toa tàu điện và
ô tô chạy trên đường ray đã được gắn động cơ (nhóm 86.01 đến 86.03). Nhóm 86.02
cũng bao gồm các toa tiếp liệu đầu máy. Đầu máy vận hành bằng hai loại năng lượng
được phân loại trong nhóm tương ứng với loại sử dụng năng lượng chính.
(B)
Xe bảo dưỡng hay phục vụ dùng trong đường sắt hay đường xe điện, có hoặc không
tự hành (nhóm 86.04).
(C)
Các loại xe kéo (toa xe chở khách dùng cho đường sắt hoặc đường tàu điện và
hành lý, xe lửa hoặc xe điện chở hàng, toa gòong và toa trần, v.v...) (nhóm
86.05 và 86.06).
...”
- Tham khảo chú giải chi tiết nhóm 86.03:
“Toa
xe khách tự hành của đường sắt hoặc đường tàu điện, toa xe hàng và toa xe hành
lý, khác với các đầu máy xe lửa, ngoài việc được trang bị một bộ phận sinh công, chúng cũng được thiết
kế để chuyên chở hành khách hoặc hàng hoá. Các phương tiện này có thể được thiết
kế để di chuyển đơn lẻ, hoặc được ghép với một hay nhiều phương tiện cùng loại,
hoặc ghép với một hoặc nhiều toa moóc.
Đặc
điểm chủ yếu của xe này là chúng được gắn với khoang điều khiển có thể là ở một
hoặc cả hai đầu, hoặc ở một vị trí cao (tháp điều khiển) ở giữa khoang.
Các
toa xe khách, toa xe hàng và toa xe hành lý loại tự hành bao gồm:
(A) Các xe chở khách tự hành chạy điện
mà trong xe này nguồn điện được cung cấp từ một nguồn bên ngoài cố định, ví dụ,
thông qua một máy truyền tải điện hoặc cần lấy điện trong trường hợp đường dây
điện ở trên không, hoặc thông qua các vành góp điện lắp trên giá chuyển hướng
trong trường hợp có đường ray thứ ba.
Các
toa tàu điện.Loại
này đôi khi sử dụng hai ray dẫn được đặt trong khe ray và việc tiếp điện nhờ một
thiết bị đặc biệt được biết đến dưới tên gọi là “cần tiếp điện”.
(B) Các
ô tô ray, ví dụ, là những phương tiện tự hành, di chuyển bằng chính nguồn
năng lượng của nó và được trang bị một động cơ diesel hoặc một động cơ đốt
trong...
Một
số ô tô ray được lắp bánh xe đặc hoặc bánh hơi và một số khác là lọai ray răng.
...”
- Tham khảo nội dung chú giải chi tiết nhóm 86.04:
“Các
phương tiện thuộc nhóm này, tự hành hay không tự hành, được thiết kế chủ yếu
theo mục đích sử dụng, ví dụ, trong việc lắp đặt đường sắt, phục vụ và bảo dưỡng
các nền và cấu trúc nằm dọc theo đường ray.
Nhóm
này bao gồm:
(1)
Loại xe sửa chữa (workshop van) có trang bị dụng cụ, máy công cụ, máy phát điện,
máy nâng (kích, palăng,...), các thiết bị hàn, dây xích, cáp ....
(2)
Cần cẩu cứu hộ và các loại cần cẩu khác; đầu máy hoặc cần cẩu nâng toa; cần cẩu
để nâng hoặc đặt đường ray; cần cẩu để xếp hoặc dỡ hàng hoá tại các nhà ga.
(3) Xe có tời kéo.
(4)
Xe được gắn thiết bị đặc biệt để dọn hoặc chèn đá đường ray.
(5)
Xe được gắn máy trộn bê tông sử dụng trên đường ray (đối với móng của cột treo
cáp điện).
(6)
Xe để kiểm định độ chịu tải của cầu .
(7)
Các xe có giàn giáo để lắp đặt và bảo dưỡng đường cáp điện.
(8)
Các xe phun diệt cỏ dại.
(9)
Các phương tiện tự hành dùng cho việc bảo dưỡng đường ray (ví dụ xe nắn đường
ray, được trang bị một hay nhiều động cơ mà các phương tiện này không chỉ bảo đảm
sự vận hành của máy lắp trên đó (thiết bị chỉnh đường ray, lót đá đường ray...)
và đẩy các phương tiện trong khi công việc đang diễn ra, mà còn làm cho xe di
chuyển một cách nhanh chóng trên đường
ray, như loại tự hành, khi máy công cụ không hoạt động
(10) Các xe thử nghiệm đường ray có gắn thiết
bị đặc biệt như dụng cụ tự động kiểm tra sự vận hành của động cơ, phanh…(ví dụ,
để đo lường tải trọng kéo, kiểm tra sự hư hỏng của đường ray, nền đường ray, cầu...);
các xe kiểm tra đuờng ray ghi lạinhững điều bất thường của đường ray, trong khi
di chuyển.
(11)
Các xe goòng kiểm tra đường loại có cơ cấu đẩy kể cả xe đạp trên ray được trang
bị động cơ, sử dụng bởi nhân viên đường sắt để bảo dưỡng đường ray. Các thiết bị
này thường có gắn động cơ đốt trong, loại tự hành và cho phép vận chuyển nhanh
các nhân viên bảo dưỡng và vật liệu được chuyên chở hoặc thu gom được dọc theo
đường ray.
(12)
Các xe goòng kiểm tra đường loại không có cơ cấu đẩy, bao gồm xe đạp trên ray,
được sử dụng bởi nhân viên kiểm tra đường ray (ví dụ, loại di chuyển bằng cách
đẩy tay hoặc đạp chân).
...”
- Tham khảo chú giải chi tiết nhóm 86.06:
“Nhóm
này bao gồm các phương tiện dùng để chuyên chở hàng hoá trên các mạng đường sắt
(của các loại đường ray). Nhóm này cũng bao gồm các phương tiện nhỏ hoặc toa chở
hàng để vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt, trong mỏ, trên các công trường xây
dựng, trong nhà máy, kho hàng... Những phương tiện vừa nêu thường khác với các
toa tàu, toa chở hàng đich thực... ở chỗ chúng không thích hợp lắp với các lò
xo giảm xóc.
Ngoài
những toa tàu và toa hàng không mui thông thường (toa trần, toa tự đổ …) và các
toa có mái che, nhóm này bao gồm các dạng chuyên dụng sau đây :
(1)
Toa xe xitec và tương tự (ví dụ, toa bồn, toa thùng chứa).
(2)
Các toa tàu và toa chở hàng được cách nhiệt hoặc được làm lạnh.
(3)
Các toa tàu và toa chở hàng bốc dỡ tự động (toa tự đổ, toa có phễu tiếp nhận
hàng...)
(4)
Toa sàn rất thấp để vận chuyển thiết bị nặng
(5)
Toa chở gỗ cây
(6)
Các toa bồn có chất liệu gốm sứ…, các bồn dùng vận chuyển hoá chất.
(7)
Toa chở ngựa
(8)
Toa 2 tầng (ví dụ, để chở ô tô).
(9)
Toa trang bị đặc biệt để chở gia cầm sống hoặc cá sống.
(10)
Toa sàn để chở những toa khác.
(11)
Các toa cho đường sắt khổ hẹp các lọai.
(12)
Xe goòng trong hầm mỏ.
(13)
Các xe đẩy dùng cho vận chuyển đường ray, rầm,...
(14)
Toa hàng có gắn ray, để chuyên chở các rơ moóc đường ray.
(15)
Toa xe và toa hàng được thiết kế đặc biệt để chuyên chở các sản phẩm phóng xạ ở
mức độ cao.
Các
rơ moóc đường sắt được thiết kế để vận chuyển bởi các toa chở hàng gắn với đường
ray dẫn hướng bị loại trừ (nhóm 87.16).”
Việc phân loại hàng hóa thực hiện theo 06 quy tắc quy định
tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của
Bộ Tài chính.
Do
Công ty Kho vận Đá Bạc – Vinacomin chỉ cung cấp tên hàng, thông số kĩ thuật của
động cơ, không có hình ảnh và tài liệu kĩ thuật mô tả đặc điểm của hàng hóa,
như: chức năng, cấu tạo, cơ chế hoạt động, công dụng theo thiết kế… nên Tổng cục
Hải quan không có đủ cơ sở để xác định mã số chính xác của hàng hóa theo Danh mục
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Đề nghị Công ty Kho vận Đá Bạc – Vinacomin đối chiếu hàng
hóa thực tế với quy định nêu trên để xác định.