Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính thư Bộ Tài chính, Tôi ở Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, có nội dung như sau kính đề nghị Bộ Tài chính cho hướng dẫn, trả lời vướng mắc sau: Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thuỷ sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, được giao nhiệm vụ sản xuất con giống và nuôi giữ giống gốc theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ gồm: Lợn giống, gà giống, vịt giống. Tuy nhiên, hiện nay việc xác định thời gian hao mòn tài sản là con giống vật nuôi chưa thống nhất. - Tại Điều 13 Thông tư 23/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định: Đối với các loại súc vật làm việc thời gian tính hao mòn là 8 năm hoặc tỷ lệ hao mòn là 12,5% (không quy định rõ giống, chủng loại: Trâu, bò, ngựa, lợn, dê, cừu…). - Mặt khác, tại mục b khoản 2 điều 5a Nghị định 46/2022/NĐ - CP ngày 13/7/2022 của Thủ tướng chính phủ về việc sửa đổi bổ xung một số điều Nghị định 13/2020/NĐ - CP ngày 21/1/2020 của Thủ tướng chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi quy định rõ cơ chế đặt hàng đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, nuôi giữ và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi phải đáp ứng định mức kinh tế kỹ thuật đối với từng loại giống gốc vật nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Ngày 06/9/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 3368/QĐ-BNN-CN ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc, trong đó quy định “Đàn lợn giống gốc” Đối với giống ngoại thời gian sử dụng 1 nái ≤ (nhỏ hơn hoặc bằng) 2,5 năm tuổi; thời gian sử dụng 1 đực ≤ (nhỏ hơn hoặc bằng) 03 năm tuổi (dòng 17, 18 của Phụ lục I). Căn cứ vào thực tế sản xuất tại đơn vị, cũng như để tiết kiệm chi phí sản xuất và đảm bảo khai thác tối đa hiệu xuất của đàn lợn giống gốc (tài sản), đơn vị đã phải kéo thời gian sử dụng (thời gian tính khấu hao, hao mòn) lên là 4 năm, sau đó phải thanh lý, loại thải thay thế lại giống gốc để đảm bảo hoạt động sản xuất giống theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Như vậy, quy định tính khấu hao, hao mòn của các văn bản: Thông tư 23/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính và Quyết định 3368/QĐ-BNN-CN ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đang không thống nhất với nhau, dẫn đến đơn vị khó khăn trong công tác hạch toán kế toán theo dõi tài sản và thực hiện việc thanh lý tài sản vì tại thời điểm thanh lý có giá trị bán trên thị trường (thanh lý giá thịt lợn loại thải) thấp hơn nhiều so với giá trị còn lại của tài sản trên sổ sách tại thời điểm thanh lý. Kính đề nghị Bộ Tài chính quan tâm xem xét, có ý kiến giải đáp vướng mắc trên của đơn vị, để đơn vị có cơ sở hạch toán và theo dõi tài sản theo đúng quy định./.
05/07/2024
Trả lời:

1. Tại mục 1 Quyết định số 3368/QĐ-BNN-CN ngày 06/9/2022 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật nuôi, giống cây trồng quy định:

“1. Phạm vi điều chỉnh

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật này áp dụng trong hoạt động sản xuất, quản lý vật nuôi giống gốc tại các cơ sở nuôi giữ vật nuôi giống gốc có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước;

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc tính toán, xây dựng đơn giá, dự toán, sản phẩm, kiểm tra, nghiệm thu và đánh giá chất lượng vật nuôi giống gốc.

c) Định mức kinh kế - kỹ thuật là cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật, năng suất, báo cáo tiến bộ hàng năm, định kỳ về thực hiện công tác sản xuất, nuôi giữ vật nuôi giống gốc”.

          Tại Điều 1, điểm d khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao TSCĐ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSCĐ do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp quy định.

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bao gồm:

a) Tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

b) Tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

c) Tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 3. Tiêu chuẩn tài sản cố định

1. Xác định tài sản:

...d) Súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm thì từng con súc vật được xác định là một tài sản.

2. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này (trừ tài sản quy định tại khoản 3 Điều này) được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

b) Có nguyên giá từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) trở lên.

3. Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật và tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật được xác định là tài sản cố định khi thỏa mãn đồng thời 02 tiêu chuẩn sau đây:

a) Có thời gian sử dụng từ 01 (một) năm trở lên.

b) Đáp ứng tiêu chuẩn về nguyên giá tài sản cố định theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.

          Căn cứ các quy định nêu trên thì: Phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 3368/QĐ-BNN-CN (áp dụng trong hoạt động sản xuất, quản lý vật nuôi giống gốc) khác phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 23/2023/TT-BTC (quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định).

          2. Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì có nhiều hình thức xử lý tài sản khác nhau, trong đó có hình thức bán (được áp dụng trong các trường hợp: (i) Tài sản công bị thu hồi được xử lý theo hình thức bán; (ii) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao sử dụng tài sản công không còn nhu cầu sử dụng; (iii) Thực hiện sắp xếp lại việc quản lý, sử dụng tài sản công; (iv) Tài sản công được thanh lý theo hình thức bán). Do vậy, trường hợp“vật nuôi giống gốc” được xác định là “súc vật làm viêc và/hoặc cho sản phẩm” thì đơn vị áp dụng hình thức xử lý cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả; không chờ để thanh lý như độc giả nêu.

          Trên đây, Bộ Tài chính (Cục QLCS) trả lời về mặt chính sách, chế độ để bạn đọc được biết. Đề nghị Cục TH&TKTC tổng hợp, trả lời cho bạn đọc theo quy trình./.

Gửi phản hồi: