Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Theo Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH ngày 05/4/2022 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giao dục nghề nghiệp. Trường Cao đẳng nghề liên kết với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cho học sinh đang học THPT tại trung tâm GDNN-GDTX. Liên kết đào tạo theo hình thức "liên kết đặt lớp đào tạo"- trung tâm GDNN-GDTX là đơn vị phối hợp liên kết đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị để thực hiện liên kết đào tạo. Theo quy định tại Điều 55, Khoản 1, Điều 56 Luật quản lý sử dụng tài sản công thì đơn vị SNCL được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh và phải lập đề án sử dụng tài sản công trong trường hợp: Tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất. Theo quy định tại Điều 4, Khoản 4 Thông tư số 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6/01/2023 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX thì hoạt động liên kết đòa tạo trình độ trung cấp thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của trung tâm GDNN-GDTX. Như vậy hoạt động liên kết này của trung tâm GDNN-GDTX có phải lập đề án sử dụng tài sản công hay không? Trân trọng cảm ơn
18/09/2024
Trả lời:

Việc đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, mục đích liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó:

(1) Trường hợp được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh và mục đích liên doanh, liên kết

- Tại khoản 1 Điều 56 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 1 Điều 45 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh trong các trường hợp:(i) Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất là những tài sản được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa sử dụng hết công suất mà không thể áp dụng hình thức thu hồi, điều chuyển; (ii) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ hoạt động kinh doanh mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.

- Tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 1 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết trong các trường hợp: (i) Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất là những tài sản được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa sử dụng hết công suất mà không thể áp dụng hình thức thu hồi, điều chuyển; (ii) Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư; (iii) Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

- Tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC quy định tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 57, khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và khoản 1, khoản 2 Điều 43 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Tài sản được xác định đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong các lĩnh vực; trong đó, có quy định đối với các lĩnh vực: (i) Lĩnh vực y tế; (ii) Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; (iii) lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; (iv)  Lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí; (v) Lĩnh vực khoa học và công nghệ và (vi) Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

(2) Về việc lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, mục đích liên doanh liên kết thực hiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Như vậy, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản côngThông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể về các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh và việc lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh. Trong đó, có quy định trường hợp tài sản được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo đúng quy định của pháp luật nhưng chưa sử dụng hết công suất được sử dụng vào mục đích kinh doanh, mục đích liên doanh, liên kết thì phải lập đề án theo quy định; đối với tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng vào nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị (bao gồm cả việc liên kết để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao) thì đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Trên đây là nội dung Bộ Tài chính trả lời theo chính sách, đề nghị Cục Tin học và Thống kê tài chính tổng hợp, trả lời độc giả thực hiện theo quy định của pháp luật./.                

Gửi phản hồi: