Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Cục Quản lý công sản, Tôi có một nội dung cần sự trợ giúp của Quý cơ quan như sau: Theo quy định tại điều 29 ban hành tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 yêu cầu Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm: a) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản; dự toán chi phí sửa chữa tài sản trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả): 01 bản chính; b) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính; c) Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý): 01 bản chính; d) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có liên quan về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa (đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được): 01 bản sao; đ) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thanh lý tài sản (nếu có): 01 bản sao. Hiện nay tôi đang xử lý một bộ hồ sơ đề nghị thanh lý là Nhà để xe giáo viên của một trường Tiểu học trên địa bàn (Tôi công tác tại phòng Tài chính-kế hoạch của huyện), tình trạng tài sản đã hết thời gian sử dụng, theo quy định, tài sản hư hỏng, xuống cấp không thể sử dụng ngoài ra cần phải thanh lý để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất được duyệt. Hồ sơ đề nghị của đơn vị đã đầy đủ các văn bản từ điểm a đến điểm d, tại điểm đ thì đơn vị cung cấp sổ theo dõi tài sản các năm, biên bản kiểm kê các năm, bảng tính hao mòn các năm (Khoảng 10 năm tính đến thời điểm đề xuất thanh lý). Tuy nhiên không cung cấp Quyết định phê duyệt đầu tư dự án, quyết định phê duyệt quyết toán dự án và các tài liệu có liên quan đến quá trình đầu tư hình thành tài sản. Như vậy, theo quy định thì đối với tài sản này và các tài liệu mà đơn vị cung cấp đã đủ điều kiện để thanh lý tài sản hay chưa? Xin trân trọng cảm ơn
24/07/2024
Trả lời:

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì tài sản công được thanh lý trong các trường hợp sau: (1) Tài sản công hết hạn sử dụng theo quy định của pháp luật; (2) Tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả; (3) Nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được quy định như sau: (1) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương; (2) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Đồng thời, tại Điều 29 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thanh lý tài sản công thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; cụ thể: “Khi có tài sản công hết hạn sử dụng theo chế độ mà phải thanh lý; tài sản công chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu quả (dự toán chi phí sửa chữa lớn hơn 30% nguyên giá tài sản); nhà làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng hoặc các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan nhà nước có tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản công, gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 28 Nghị định này xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm: (1) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ trách nhiệm tổ chức thanh lý tài sản; dự toán chi phí sửa chữa tài sản trong trường hợp xác định việc sửa chữa không hiệu quả): 01 bản chính; (2) Văn bản đề nghị thanh lý tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính; (3) Danh mục tài sản đề nghị thanh lý (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do thanh lý): 01 bản chính; (4) Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có liên quan về tình trạng tài sản và khả năng sửa chữa (đối với tài sản là nhà, công trình xây dựng chưa hết hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng nhưng không thể sửa chữa được): 01 bản sao; (5) Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị thanh lý tài sản (nếu có): 01 bản sao. Ví dụ như quyết định phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương đầu tư... (đối với trường hợp phá dỡ nhà làm việc hoặc tài sản gắn liền với đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư), quyết định thu hồi đất, chủ trương thu hồi đất,... (đối với trường hợp thu hồi đất để GPMB thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai);...

Cục QLCS đề nghị Cục Tin học và Thống kê tài chính trả lời bạn đọc theo nội dung trên./.

Gửi phản hồi: