Nội dung thư độc giả hỏi về vướng mắc khi hạch toán, tính hao mòn TSCĐ hình thành từ dự án của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao làm chủ đầu tư các dự án đầu tư XDCB sử dụng vốn NSNN trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC và các quy định tại Thông tư 147/2016/TT-BTC. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về quy định quản lý và tính hao mòn TSCĐ theo Thông tư 147/2016/TT-BTC
Thông tư 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 của Bộ Tài chính được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định quy định về đối tượng, phạm vi áp dụng: “Thông tư này áp dụng cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật”.
Theo đó các quy định tại Thông tư 147/2016/TT-BTC được áp dụng cho các doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao làm chủ đầu tư các dự án đầu tư XDCB sử dụng NSNN cấp không là đối tượng áp dụng các quy định tại Thông tư này.
2. Về quản lý, hạch toán TSCĐ và hao mòn TSCĐ
Theo thư hỏi, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được giao làm chủ đầu tư các dự án đầu tư XDCB sử dụng vốn NSNN trong khu công nghiệp, khu kinh tế, vì vậy Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh là đối tượng áp dụng Thông tư 79/2019/TT-BTC ngày 14/11/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công. Việc hạch toán TSCĐ hình thành sau dự án, đề nghị độc giả lưu ý 2 trường hợp:
- Đối với TSCĐ hình thành sau dự án, được bàn giao và sử dụng cho hoạt động của Ban quản lý dự án thì Ban quản lý dự án phải thực hiện ghi tăng TSCĐ, quản lý, tính hao mòn và hạch toán hao mòn TSCĐ theo quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trước là Thông tư 162/2014/TT-BTC).
- Đối với TSCĐ hình thành sau dự án nhưng được bàn giao cho các đơn vị khác quản lý, sử dụng thì căn cứ biên bản bàn giao dự án, công trình kế toán Ban quản lý dự án hạch toán tất toán các tài khoản cấp phát và nguồn XDCB tương ứng, hoặc tiếp tục theo dõi quyết toán công trình, dự án (nếu chưa được quyết toán) mà Ban quản lý dự án không được hạch toán TSCĐ và tính hao mòn TSCĐ trong trường hợp này.
Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.