Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính Hiện nay 1 số đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan tôi là đơn vị sự nghiệp có thu được NSNN đảm bảo 100% và đơn vị tự đảm bảo 1 phần kinh phí (10%). Thực hiện điểm a, khoản 1, Điều 3 Thông tư 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019, năm 2019 các đơn vị sự nghiệp đã trích 40% số thu sau khi trừ chi phí nộp NSNN để thực hiện cải cách tiền lương, việc trích CCTL như vậy có đúng không? Đối với những đơn vị tự đảm bảo 1 phần chi phí ngoài chi phí nộp NSNN còn có các chi phí liên quan hợp lý liên quan đến hoạt động thu thì có được trừ toán bộ chi phí (nộp NSNN + chi phí khác) rồi mới trích 40% không? Năm 2020 không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở thì có phải trích nguồn cái cách tiền lương không?, nếu có thì thực hiện theo văn bản nào?.
21/09/2020
Trả lời:

1. Về việc sử dụng một phần số thu được để lại để tạo nguồn CCTL theo Thông tư số 46/2019/TT-BTC:

Tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 46/2019/TT-BTC quy định:

“Số thu được để lại theo chế độ quy định tại khoản 1 và 2 Điều này phải bảo đảm nguyên tắc không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu. Phạm vi và tỷ lệ trích từ nguồn thu được để lại (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 điều này), chú ý một số điểm sau:

b) Đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

- Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

- Đối với số thu học phí chính quy: sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ tính trên toàn bộ số thu học phí (bao gồm cả kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù học phí theo quy định).

- Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập: sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ (như: chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... và chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá).

- Đối với số thu dịch vụ, các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: sử dụng tối thiểu 40% số thu từ các hoạt động trên sau khi trừ các chi phí trực tiếp đã tính vào giá dịch vụ cho các hoạt động này và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định”.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Quý đơn vị rà soát lại các khoản thu của đơn vị, thực hiện việc trích lập nguồn thực hiện CCTL theo đúng hướng dẫn.

2. Về việc thực hiện CCTL năm 2020:

Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; trong đó, đã đưa ra các định hướng về CCTL đến năm 2030 và các giải pháp tạo nguồn thực hiện.

Đồng thời, quy định về tạo nguồn CCTL đã được quy định về nguyên tắc theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và được bổ sung, làm rõ theo Nghị định điều chỉnh tiền lương hằng năm.

Do đó, mặc dù năm 2020 chưa thực hiện tăng lương cơ sở, lương hưu, điều chỉnh trợ cấp người có công do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, các Bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn theo các quy định nêu trên.

Gửi phản hồi: