Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính Tôi là Phạm Việt Dũng - Công tác tại Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên, xin được hỏi Quý cơ quan tư vấn nội dung, cụ thể như sau: - Ngày 21/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó, Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo tại Khoản 8, Điều 13 của Nghị định có nêu: “Xây dựng dự toán, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện; phối hợp với phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện theo quy định”. - Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tại Khoản 5, Điều 2 có nêu: “Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)”; tại khoản 3, Điều 24 của Nghị định có nêu: “Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này theo quy định của pháp luật, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Như vậy theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thì các đơn vị trường học (bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (không phải là đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo). - Theo khoản 1 điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015, sau khi được Chính phủ, Ủy ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới trong trường hợp có ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi của mình, gửi cơ quan tài chính cùng cấp, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện. Việc phân bổ và giao dự toán phải bảo đảm thời hạn và yêu cầu quy định tại Điều 50 của Luật này. Căn cứ các quy định nêu trên. Tôi xin hỏi việc giao dự toán chi cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục được thực hiện như thế nào? UBND huyện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục hay phòng Giáo dục và Đào tạo phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Kính mong Quý cơ quan tư vấn, giải đáp để chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tôi xin chân thành cám ơn
23/01/2025
Trả lời:

1. Tại khoản 1 Điều 49 Luật NSNN được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 56/2024/QH15 quy định: “Sau khi được Chính phủ, Ủy ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đơn vị được phân cấp quản lý vận hành khai thác, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới trong trường hợp có ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi của mình, gửi cơ quan tài chính cùng cấp, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện. Việc phân bổ và giao dự toán phải bảo đảm thời hạn và yêu cầu quy định tại Điều 50 của Luật này”.

2. Tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục quy định: “Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo: ...Xây dựng dự toán, gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện; phối hợp với Phòng Tài chính – kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính hợp pháp khác đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện theo quy định”.

Tại Điều 4 Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT ngày 22/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đạo tạo hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và đào tạo thuộc UBND  tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phòng Giáo dục và đào tạo thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương quy định: “Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 13 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:...2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ”.

3. Tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)”; tại khoản 3 Điều 24 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này theo quy định của pháp luật, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp các cơ sở giáo dục là đơn vị dự toán cấp I trực thuộc UBND cấp huyện thì UBND cấp huyện giao dự toán cho đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật NSNN được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 56/2024/QH15.

Gửi phản hồi: