Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi là kế toán Trường Cao đẳng lĩnh vực dạy nghề - đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên. Hiện nay, đơn vị đang gặp vướng mắc về cơ chế chi tăng lương theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau: Năm 2024, Trường được Thành phố giao số lượng người làm việc cho Trường là 232 người (trong đó 47 người hưởng lương từ Ngân sách, 185 người hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị). Tính đến ngày 01/7/2024 số lượng CBCNV của Trường hiện có mặt là 167 người (47 người hưởng lương từ ngân sách và 120 người người hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị) Khi thực hiện chi lương theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, phần chênh lệch lương từ 1.800 lên 2.340, Trường được UBND thành phố cho phép sử dụng nguồn CCTL của đơn vị để chi cho 47 người (hưởng lương từ ngân sách); phần còn lại là 120 người hiện có mặt (hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị) không được phép sử dụng nguồn CCTL của Trường để chi chênh lệch lương từ 1,800 triệu đồng lên 2,340 triệu đồng, toàn bộ khoản chi tăng lương (lương cơ sở 2,340 triệu đồng) cho 120 người này đề nghị dùng từ nguồn thu hoạt động của Trường để chi lương, với lý do: 120 người này không thuộc tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Thông tư 62/2024/TT-BTC “Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP trong năm 2024 là số thực có mặt tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2024 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt)". Những năm qua, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ và quy định về thực hiện dự toán hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Trường đã thực hiện trích lập (40%) để tạo nguồn cải cách tiền lương (nguồn để thực hiện tăng theo lộ trình của Chính phủ), trong đó, nguồn cải cách tiền lương được trích lập chủ yếu từ nguồn thu thu dịch vụ. Tuy nhiên, khi thực hiện tăng lương theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì người lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị không được sử dụng từ nguồn CCTL do chính nguồn thu dịch vụ tạo ra. Vậy, Trường rất mong Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương của đơn vị để chi cho người lao động (theo chỉ tiêu lao động cơ quan có thẩm quyền giao) hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị, như đối với hưởng lương từ ngân sách được sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị. Hiện nay sắp hết năm tài chính, do đó toàn thể nhân viên của Trường rất mong nhận được trả lời của Quý Bộ, để có cơ sở chi tăng lương theo chính sách của Chính phủ đảm bảo kịp thời, đúng chế độ
24/01/2025
Trả lời:

1. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nguồn kinh phí thực hiện CCTL đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên như sau: “Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bổ sung sau khi đơn vị sử dụng hết Quỹ bổ sung và nguồn trích lập CCTL” (điểm b khoản 1 Điều 16).

2. Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định đối tượng áp dụng mức lương cơ sở gồm: “…c) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019); d) Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;...” (khoản 1 Điều 2) và quy định nguồn kinh phí thực hiện CCTL của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: “a) Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao; b) Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;…; đ) Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có); e) Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%” (Điều 5).

Căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng sử dụng nguồn CCTL và chi trả tiền lương tăng thêm cho người lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị, đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; theo đó, đề nghị Trường có Văn bản đề nghị Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng hướng dẫn để tổ chức thực hiện.  

Gửi phản hồi: