Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Tôi xin được hỏi về việc cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi, cụ thể như sau: - Năm 2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt Dự toán kinh phí hỗ trợ dịch vụ công ích thủy lợi xác định theo kế hoạch diện tích được duyệt là: 118,076 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương mới cấp cho tỉnh để thực hiện hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi cho các đơn vị khai thác là: 99,007 tỷ đồng Theo quy định, tỉnh Phú Thọ được ngân sách Trung ương cấp 100% kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. (Theo Điều 2, Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 24/01/2022của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, việc thực hiện cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi có một số vướng mắc như sau: - Việc thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo phương thức đặt hàng, quy định tại Mục 5, Điều 16, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP: “Ngay sau khi hợp đồng đặt hàng được ký, cơ quan tài chính tạm ứng 60% kinh phí theo hợp đồng cho đơn vị nhận đặt hàng. Sau khi có báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng đạt 60% giá trị hợp đồng, cơ quan tài chính cấp tiếp 30% kinh phí theo hợp đồng, 10% kinh phí còn lại được cấp phát thanh toán sau khi hợp đồng được nghiệm thu, thanh lý.....” Như vậy, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi sẽ được ngân sách cấp hỗ trợ trong năm bằng 90% giá trị dự toán ( hợp đồng). Số kinh phí cần thiết để tỉnh Phú Thọ cấp cho các đơn vị trong năm 2024 là: 118,076 * 90% = 106,269 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương mới cấp cho tỉnh: 99,007 tỷ đồng - thiếu 7,262 tỷ đồng Để đảm bảo kinh phí hoạt động cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cung cấp dịch vụ công ích thủy lợi, xin được hỏi Bộ Tài chính: 1. Số kinh phí còn thiếu so với dự toán ( hợp đồng) có được ngân sách Trung ương cấp bổ sung trong năm không ? 2. Do ngân sách Trung ương cấp cho tỉnh còn thiếu, tỉnh sẽ cấp hỗ trợ cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cung cấp dịch vụ công ích thủy lợi theo phương thức nào? Cụ thể: - Do kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ còn thiếu, tỉnh sẽ cấp hỗ trợ toàn bộ số ngân sách Trung ương đã cấp: 99,007 tỷ cho các đơn vị theo tỷ lệ dự toán. Đồng thời, UBND tỉnh Báo cáo Bộ Tài chính đề nghị cấp bổ sung số kinh phí còn thiếu trong năm 2024 để đảm bảo kinh phí cấp cho các đơn vị theo Nghị định số 96/2018/NĐ-CP; - Trong năm chỉ cấp cho các đơn vị 90% số ngân sách Trung ương đã cấp hỗ trợ cho tỉnh. - Phương án khác 3. Sau khi hợp đồng được nghiệm thu, thanh lý, quyết toán được duyệt, nếu kinh phí do ngân sách Trung ương đã cấp hỗ trợ cho tỉnh còn thiếu có được cấp tiếp không ? Rất mong Quý Bộ Tài chính quan tâm phúc đáp!
22/01/2025
Trả lời:

1. Về kinh phí NSTW hỗ trợ các địa phương để sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi:

          Theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 5 Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022:“Hỗ trợ kinh phí sử dụng giá dịch vụ, sản phẩm công ích thủy lợi bằng 102% mức bình quân năm của kết quả thực hiện giai đoạn 2017-2020 và dự toán chi năm 2021 của ngân sách địa phương”.

        Tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 quy định: “Căn cứ khả năng tài chính - ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp từng cấp chính quyền địa phương, phù hợp tình hình thực tế của từng lĩnh vực chi và theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước để làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách ở địa phương năm 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới”. Đồng thời, tại khoản 9 Điều 3 Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 quy định: “Bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương giai đoạn 2023- 2025...”.

Theo đó, dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025 tính theo định mức đã bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Do vậy, ngân sách trung ương không cân đối, bố trí bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Đề nghị địa phương chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương và nguồn lực tài chính hợp pháp khác để xử lý phần chênh lệch còn thiếu (ngoài phần ngân sách đã bố trí ổn định chi thường xuyên của ngân sách địa phương và số bổ sung dự toán hằng năm – nếu có).

2. Về phương thức cấp hỗ trợ cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, việc nghiệm thu, thanh lý, quyết toán kinh phí: Ngày 30/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; trong đó đã quy định cụ thể các nội dung liên quan đến giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; phương thức; mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi...; vì vậy, đề nghị căn cứ quy định của Nghị định số 96/2018/NĐ-CP để triển khai thực hiện. 

Gửi phản hồi: