Tại điểm a khoản 7 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định về số kinh phí quản lý dự án tiết kiệm được như sau:
“1. Số kinh phí quản lý dự án tiết kiệm được khi kết thúc năm ngân sách là khoản chênh lệch giữa nguồn thu thực tế của dự toán thu được duyệt trong năm lớn hơn số đã chi thực tế của dự toán chi được duyệt trong năm đúng quy định sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao trong năm về quản lý dự án đầu tư.
Trường hợp các nhiệm vụ chi đã được phê duyệt trong dự toán không thực hiện trong năm, hoặc đang thực hiện dở dang mà chuyển sang thực hiện năm sau thì được chuyển dự toán của các khoản kinh phí đó sang năm sau để tiếp tục thực hiện. Trường hợp này đơn vị phải xác định và chịu trách nhiệm về số kinh phí tương ứng với nhiệm vụ chi chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang để chuyển năm sau, nguồn kinh phí này không được sử dụng để xác định kinh phí tiết kiệm trong năm.”
Tại điểm b khoản 7 Điều 1 Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 sửa đổi, bổ sung điêm a khoản 2 Điều 13 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 quy định về chi thu nhập tăng thêm từ nguồn kinh phí quản lý dự án tiết kiệm như sau:
“a) Chi thu nhập tăng thêm:
- Trong phạm vi nguồn kinh phí tiết kiệm được, chủ đầu tư, BQLDA xác định hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa 1,0 (một) lần so với tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để chi trả thu nhập tăng thêm cho các đối tượng hưởng lương từ chi phí quản lý dự án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Thông tư số 72/2017/TT-BTC. ...”
Chủ đầu tư không chi trả lương từ chi phí quản lý dự án; do đó, nguồn kinh phí quản lý dự án tiết kiệm được không dùng để chi thu nhập tăng thêm; nguồn kinh phí quản lý dự án tiết kiệm được dùng để chi khen thưởng và phúc lợi tập thể theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư số 72/2017/TT-BTC.
Bộ Tài chính có ý kiến trả lời để Quý Độc giả biết và thực hiện theo đúng quy định./.