Hỏi đáp CSTC

Hỏi:

Tôi hiện đang công tác tại Phòng thẩm tra quyết toán, Sở Tài chính tỉnh X. Cơ quan tôi đang thẩm tra quyết toán một dự án đầu tư xây dựng trong đó có gói thầu tư vấn kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành. Đơn vị kiểm toán tham gia đấu thầu và trúng thầu, ký hợp đồng kiểm toán, hình thức hợp đồng: Trọn gói.

Giá hợp đồng theo đúng quy định, không vượt dự toán gói thầu, dự toán công trình được phê duyệt (dự án được kiểm toán theo yêu cầu của Sở Tài chính). Sau đó, ngày 30/7/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 09/2016/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/9/2018. Khi chủ đầu tư nộp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành về cơ quan tôi để thẩm tra quyết toán (sau ngày 15/9/2018), khi đó Thông tư số 64/2018/TT-BTC đã có hiệu lực. Mặt khác, dự án có 09 gói thầu xây lắp, trong đó 06 gói thầu đã được kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán sau khi có QT AB và ra kết luận kiểm toán về giá trị quyết toán gói thầu trước khi đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán (Báo cáo kiểm toán độc lập ra sau ngày 15/9/2018). Vậy tôi xin hỏi, các cách xác định giá trị phê duyệt quyết toán chi phí kiểm toán dưới đây cách nào đúng theo quy định? Nếu chưa có cách nào đúng, kính mong Quý cơ quan hướng dẫn để cơ quan tôi đưa ra báo cáo thẩm tra quyết toán được chính xác:

Cách 1:Giá trị quyết toán = giá hợp đồng kiểm toán (trọn gói), không tính lại giá theo định mức tại Thông tư số 64/2018/TT-BTC.

Cách 2:Giá trị quyết toán = Min[Giá hợp đồng; Giá trị tính theo Thông tư số 64/2018/TT-BTC (đã trừ đi phần KTNN thực hiện)]

Cách 3:Giá trị quyết toán = Giá hợp đồng - (trừ đi) phần giá trị tương ứng với phần công việc kiểm toán Nhà nước đã thực hiện (nội suy theo tổng giá trị quyết toán, giá trị quyết toán KTNN thực hiện và giá hợp đồng kiểm toán).

07/03/2019
Trả lời:

1. Quy định của pháp luật về hợp đồng trọn gói hiện nay như sau:

(1). Tại Điểm a và d khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định về hợp đồng trọn gói như sau:

“a) Hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng;

(2). Tại khoản 4 Điều 144 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định thanh toán hợp đồng xây dựng đối với hợp đồng trọn gói như sau: “Đối với hợp đồng trọn gói, việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng.”

(3). Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng:

- Tại điểm a, khoản 3, Điều 6 quy định “hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất mà bên giao thầu, bên nhận thầu và các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện”.

- Tại điểm a khoản 3 Điều 15 quy định: “Giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với khối lượng các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện.”

- Tại khoản 4 Điều 19 quy định: “Đối với hợp đồng trọn gói: Thanh toán theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với các giai đoạn thanh toán mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, khi thanh toán không đòi hỏi có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.”

(4). Quy định tại điểm b, khoản 6 Điều 1 Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30/07/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2018) như sau:

“3. Đối với các dự án được cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra thực hiện kiểm toán, thanh tra:

a) Trường hợp Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra thực hiện kiểm toán, thanh tra chưa đủ các nội dung quy định tại Điều 12 Thông tư này, chủ đầu tư xác định nội dung, phạm vi kiểm toán bổ sung và lựa chọn nhà thầu kiểm toán độc lập để kiểm toán bổ sung theo yêu cầu của người phê duyệt quyết toán. Chi phí kiểm toán bổ sung được xác định trên cơ sở giá trị đề nghị quyết toán tương ứng với phần kiểm toán bổ sung và phạm vi, nội dung kiểm toán bổ sung. Cơ quan chủ trì thẩm tra sử dụng kết quả báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra và kết quả báo cáo kiểm toán của kiểm toán độc lập làm căn cứ để thẩm tra quyết toán dự án.

b) Trường hợp Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra có quyết định kiểm toán, thanh tra dự án khi chủ đầu tư và nhà thầu kiểm toán độc lập đang thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành thì nhà thầu kiểm toán độc lập vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán theo đúng quy định của Chuẩn mực kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và hợp đồng đã ký kết.”

Đề nghị độc giả căn cứ quy định nêu trên để thực hiện theo đúng quy định.

Gửi phản hồi: