Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính thưa Bộ Tài chính. Tôi là chuyên viên của Phòng Tư pháp thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Tôi xin hỏi Quý Bộ một vấn đề mong quý Bộ giải đáp giúp tôi. Vấn đề như sau: hàng năm, cơ quan tôi được UBND thành phố giao nhiệm vụ và giao dự toán chi cho hoạt động xây dựng và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tại địa phương. Năm 2017, thực hiện Văn bản số 1166/VPUB-NC ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận; Công văn số 1271/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL của Bộ Tư pháp về kiểm tra việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã tham mưu UBND thành phố ban hành báo cáo về theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương phục vụ đoàn kiểm tra của Bộ (việc lựa chọn địa bàn kiểm tra do Bộ Tư pháp quyết định theo Kế hoạch công tác của Bộ, địa phương không hề biết trước để xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm; đợt kiểm tra này Bộ Tư pháp lựa chọn 04 tỉnh: Ninh Thuận, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Long). Sau đó, căn cứ theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 4, điểm d khoản 3 điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính, đơn vị chúng tôi đã lập chứng từ chi cho công tác lập báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất với mức chi 3.000.000 đồng/ báo cáo. Nay, Thanh tra thành phố thanh tra tại đơn vị tôi, xuất toán khoản chi trên với lý do: trong văn bản của Bộ Tư pháp và văn bản của UBND tỉnh yêu cầu báo cáo không có chữ “đột xuất”, đồng thời UBND tỉnh chưa ban hành quy định này nên không thể áp dụng quy định nêu trên để chi công công tác lập báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật đột xuất. Đơn vị đã có báo cáo giải trình nhưng Thanh tra vẫn không chấp thuận. Báo cáo giải trình chúng tôi nêu rõ những lý do sau (03 lý do): 1) theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và khoản 1 Điều 10 Thông tư số 14/2017/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp về quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, chế độ báo cáo định kỳ hàng năm đối với nhiệm vụ này (đối với cấp tỉnh) là vào ngày 15/10 hàng năm (thời gian báo cáo của cấp huyện do UBND cấp tỉnh yêu cầu). Như vậy, ngoài chế độ báo cáo định kỳ theo quy định thì các báo cáo khác là báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề,... 2) Trường hợp nếu không chấp nhận mức chi của báo cáo đột xuất thì đây là báo cáo định kỳ, mức chi của báo cáo định kỳ hàng năm là 1.700.000 đồng/báo cáo nhưng trong phạm vi dự toán giao trong năm, chúng tôi được phép quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn định mức quy định miễn sao hoàn thành nhiệm vụ được giao (theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định: “Các nội dung chi, mức chi tại Điều 3, Điều 4 của Thông tư mang tính hướng dẫn; căn cứ mức kinh phí được giao để thực hiện xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật quyết định thực hiện chi tiêu cho các nội dung công việc với mức chi phù hợp (thấp hơn hoặc cao hơn mức chi quy định tại điều 4 thông tư này) trong tổng mức kinh phí đã được giao để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật”). 3) Theo Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 338/2016/TT-BTC quy định “… HĐND tỉnh quy định mức phân bổ cụ thể đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện”. Điều đó có nghĩa UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định quy định về mức phân bổ đối với từng loại văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở nội dung điều 5 của Thông tư số 338/2016/TT-BTC cho phù hợp với tình hình địa phương, chứ không quy định UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định quy định về mức chi cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hiện chúng tôi rất bức xúc về vấn đề này. Vì vậy rất mong Bộ Tài chính sớm trả lời để mọi việc được sáng tỏ. Trân trọng chào Quý bộ.
04/04/2019
Trả lời:

1. Về chế độ báo cáo thi hành pháp luật:

Đối với chế độ, báo cáo thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; trong đó Điều 10 quy định về các loại báo cáo tình hình thi hành pháp luật như sau:

"Điều 10. Báo cáo tình hình thi hành pháp luật

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo tình hình thi hành pháp luật trong các trường hợp sau đây:

1. Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hằng năm;

2. Báo cáo tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn quản lý; báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp;

3. Báo cáo khi phát hiện những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật hoặc thấy cần thiết phải áp dụng các biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn những thiệt hại có thể xảy ra cho đời sống xã hội;

4. Báo cáo về kết quả xử lý các kiến nghị theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

          Do tính chất báo cáo nào là báo cáo định kỳ, báo cáo nào là báo cáo đột xuất trong lĩnh vực thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, vì vậy đề nghị Quý độc giả gửi văn bản đến Bộ Tư pháp để được giải đáp.

          2. Về mức chi báo cáo theo dõi thi hành pháp luật:

          Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; trong đó quy định như sau:

          - Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 quy định:

1. Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm, được tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả kinh phí xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

2. Việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại cơ quan, đơn vị được thực hiện theo chương trình, kế hoạch chính thức và chương trình, kế hoạch bổ sung trong năm, bảo đảm phù hợp với tiến độ trin khai nhiệm vụ và trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao”.

          - Điểm d Khoản 3 Điều 4 quy định về mức chi đối với từng loại báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

          - Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 quy định:

          1. Căn cứ khả năng ngân sách và tình tình thực tế; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức phân bổ cụ thể đối với từng loại văn bn quy phạm pháp luật để thực hiện cho phù hp.

2. Các nội dung chi, mức chi tại Điều 3, Điều 4 thông tư mang tính hướng dẫn; căn cứ mức kinh phí được giao để thực hiện xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật quyết định thực hiện chi tiêu cho các nội dung công việc với mức chi phù hợp (thấp hơn hoặc cao hơn mức chi quy định tại Điều 4 thông tư này) trong tng mức kinh phí đã được giao để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật”.

Do vậy, sau khi xác định được đúng tính chất của báo cáo theo dõi thi hành pháp luật, thì mức chi thực hiện báo cáo theo dõi thi hành pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính.



Gửi phản hồi: