Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, Tôi làm việc cho một cơ quan nhà nước. Trong quá trình công tác, tôi đã tự xin được học bổng của Chính phủ Úc (AAS) cho khóa học Thạc sỹ 2 năm tại Úc (2015-2017). Học bổng của Chính phủ Úc chia thí sinh ra thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 bao gồm các ứng viên làm việc tại các cơ quan nhà nước ở địa phương, nhóm 2 dành cho các nhân viên làm việc tại các cơ quan tại Trung ương, nhóm 3 (tôi thuộc nhóm này) là nhóm các ứng viên làm việc cho các Viện nghiên cứu và trường đại học trên cả nước (bao gồm cả các viện nghiên cứu tư, các trường đại học dân lập, và những cá nhân làm việc tại các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã quay lại cơ quan cũ làm việc gần được 1 năm, sau đó viết đơn xin nghỉ việc và đi tìm công việc khác. Tuy nhiên, cơ quan tôi không đồng ý việc đó và yêu cầu tôi phải đền bù toàn bộ kinh phí đào tạo do chính phủ Úc cấp vì cho rằng đây là nguồn vốn ODA và coi như là một nguồn ngân sách nhà nước. Theo Điều 36, điều 7 của Nghị định 101/2017 NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng, công chức, viên chức. Việc yêu cầu bồi thường chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học bằng nguồn nhân sách của nhà nước, hoặc của cơ quan quản lý sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. KHÔNG yêu cầu đền bù với các nguồn đi học của bản thân cán bộ, công chức, viên chức hoặc nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tôi cho rằng học bổng tôi đã nhận được (học bổng của chính phủ Úc) là thuộc nguồn vốn từ tổ chức nước ngoài nên không phải đền bù. Hơn nữa, tôi đã xin học bổng dựa vào nhóm đối tượng 3 là nhóm bao gồm cả các cá nhân thuộc NGO trong nước, Viện nghiên cứu tư nhân, các trường đại học dân lập (mở rộng cho các đối tượng bên ngoài) đều đủ điều kiện dự tuyển. Do vậy, càng khẳng định rằng, học bổng của tôi không đến từ nguồn ngân sách. Qua đó, không thuộc đối tượng phải đền bù. Ngoài ra, Nếu hiểu nguồn học bổng của tôi là nguồn vốn ODA, thì theo nghị định 101/2017 NĐ-CP không có quy định, chế tài đối với nguồn vốn tài trợ ODA. Bởi vậy, có thể hiểu rằng, nguồn vốn ODA này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này. Điều 36 của Nghị Định 101/2017 NĐ-CP về kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng cũng đã đề cập rằng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể điều này. Tôi xin hỏi Bộ Tài chính như sau: - Học bổng của tôi, cụ thể nhóm đối tượng tôi đã dự tuyển, có thuộc nguồn ngân sách của nhà nước không? và trường hợp của tôi có phải đền bù kinh phí đào tạo không? - Kinh phí đào tạo theo cách hiểu của Nghị định 101/2017 bao gồm những thứ gì? có bao gồm: kinh phí ăn ở, đi lại, tham gia bảo hiểm y tế.... tại nước sở tại (Úc) trong thời gian tôi học tập tại Úc không? Tôi rất mong nhận được thông tin phản hồi sớm từ Bộ Tài chính cho trường hợp của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn, Người hỏi Đỗ Trọng Hưng
12/11/2018
Trả lời:
            - Độc giả đã xin được học bổng của Chính phủ Úc đối với đối tượng nhóm 3 (Viện nghiên cứu, trường đại học trên cả nước); thời gian học từ 2015-2017. Do vậy, chính sách, chế độ đào tạo viên chức sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; theo đó, Điều 36 quy định đào tạo và đền bù chi phí đào tạo:
             1. Viên chức được cử đi đào tạo trong các trường hợp sau:
             a) Đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức, sắp xếp lại;
            b) Đáp ứng nhu cầu xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
            2. Điều kiện để viên chức được cử đi đào tạo:
            a) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp của viên chức;
             b) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hải quan nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
            3. Viên chức được cử đi đào tạo theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, còn phải thực hiện quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và đáp ứng các yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
             4. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:
              a) Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc;
              b) Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập;
               c) Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
               5. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về cách tính chi phí đền bù và quy trình, thủ tục đền bù chi phí đào tạo quy định tại Điều này.
             - Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 nên đề nghị Quý độc giả gửi câu hỏi đến Bộ Nội vụ để được trả lời cụ thể về đối tượng đào tạo và chi phí đền bù đào tạo.

       
Gửi phản hồi: