Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, tôi đang công tác tại Đơn vị sự nghiệp nhóm 3, (đảm bảo 30-70%). Hiện nay trong đơn vị vừa có tài sản mua từ nguồn ngân sách, vừa có tài sản mua từ nguồn thu dịch vụ. Thanh tra hướng dẫn: Quỹ hoạt động sự nghiệp được trích lập từ 2 nguồn:. - Từ nguồn lợi nhuận trích lập các quỹ - Từ nguồn khấu hao TSCD của ngân sách trích lập và thanh tra sở tài chính bắt phải đưa vào quỹ Phát triển sự nghiệp Và đơn vị được hướng dẫn trích khấu hao, hao mòn với tài sản cố định mua từ ngân sách nhà nước có dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh như sau: Tỉ lệ hao mòn (tài sản mua từ nguồn NSNN) trong năm là 16.000.000đ Doanh thu năm 2024 là: 1 tỉ đồng, nguồn ngân sách cấp là 500 triệu đồng thì phân bổ hao mòn vào chi phí với tỉ lệ: 16 triệu / (1 tỉ + 500 triệu) = 10.66.667 Phần còn lại hạch toán toàn bộ vào hao mòn: 16 triệu - 10.666.667 = 5.333.333 Hạch toán N6423/C43141: 10.666.667 N61123/C2141: 5.333.333 n36611/c5112: 5.333.333 Nếu hạch toán như vậy thì 2141 qua các năm sẽ rất ít so với con số thực tế. Rất mong được Bộ Tài chính giải đáp. Trân trọng cám ơn.
02/01/2025
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi liên quan đến việc việc tính hao mòn, khấu hao và hạch toán hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3. Về vấn đề này Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

          1. Việc tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính; trong đó hướng dẫn tính hao mòn, trích khấu hao TSCĐ căn cứ việc sử dụng tài sản cho các hoạt động, không quy định việc hao mòn và khấu hao tài sản cố định theo nguồn hình thành tài sản.

          2. Việc hạch toán hao mòn, khấu hao TSCĐ thực hiện theo quy định tại chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC (có hiệu lực đến hết năm tài chính 2024). Trong đó:

- Giá trị hao mòn và khấu hao TSCĐ của đơn vị đều phải phản ánh đầy đủ vào bên Có TK 214 “Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ” (khi sử dụng cho hoạt động đơn vị, bút toán Nợ TK chi phí (611, 642,...) /Có TK 214).

- Số liệu kết chuyển từ TK 366 “Các khoản nhận trước chưa ghi thu” (chi tiết 36611) sang TK 511 “Thu hoạt động do NSNN cấp” (bút toán Nợ TK 366/Có TK 511) bao gồm toàn bộ số hao mòn, khấu hao đã tính/trích trong năm của TSCĐ hình thành từ nguồn NSNN. Đối với số trích khấu hao của các tài sản này phải bổ sung Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định, cuối kỳ đơn vị kết chuyển, ghi Nợ TK 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế”/Có TK 431 “Các quỹ” (chi tiết 43141).

 Theo đó, phương án hạch toán tại câu hỏi của độc giả (như bút toán ghi Nợ TK 642/Có TK 4314 đối với số khấu hao, bút toán kết chuyển Nợ TK 366/Có TK 511 chỉ với số hao mòn) chưa đảm bảo quy định của Thông tư 107/2017/TT-BTC, không phản ánh đầy đủ số liệu trên các sổ kế toán có liên quan (như số khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ trên TK 214, số liệu doanh thu trong năm ghi nhận trên TK 511).

          3. Các nội dung về quản lý, sử dụng TSCĐ và hạch toán kế toán phải thực hiện theo các văn bản nêu trên và quy định pháp luật có liên quan, đề nghị độc giả lưu ý, không thực hiện theo các hướng dẫn thiếu căn cứ, trái với quy định hiện hành.

  Đề nghị độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: