Trả lời câu hỏi mã số 240425-29 của độc giả Đoàn
Thị Thu Hiền, (email: doanthuhien90.dth@gmail.com) về hạch
toán khoản phải trả người lao động theo quy định tại chế độ kế toán hành chính,
sự nghiệp; căn cứ vào chức năng,
nhiệm vụ, Cục QLKT trả lời nội dung câu hỏi của độc giả như sau:
1. Chi trả
tiền lương, tiền công, thu nhập tăng thêm,... cho người lao động tại đơn vị sự
nghiệp công lập thực hiện theo pháp luật về lao động, pháp luật về viên chức và
quy định có liên quan. Việc theo dõi số liệu của đơn vị cần đáp ứng các yêu cầu
quản lý của đơn vị đối với tiền lương, tiền công của người lao động, như đối
chiếu, công khai số liệu thanh toán cho người lao động; tính toán, trích các
khoản phải nộp theo lương; thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân,....
Phụ lục I kèm theo Thông tư số 24/2024/TT-BTC ngày 17/4/2024 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp đã quy định
rõ kết cấu và nội dung phản ánh của Tài
khoản (TK) 334 “Phải trả người lao động”:
- Bên Có TK 334 phản ánh thu nhập phải trả
cho người lao động, theo đó số liệu này được ghi nhận căn cứ hồ sơ, chứng
từ xác định khoản thu nhập đơn vị phải chi trả cho người lao động (như Bảng
chấm công, Bảng tính lương,...).
- Bên Nợ TK 334 phản ánh thu nhập đã trả cho
người lao động hoặc các khoản đã khấu trừ vào thu nhập của người lao
động, theo đó số liệu này căn cứ hồ sơ, chứng từ thực hiện chi trả cho
người lao động (như chứng từ chuyển tiền của ngân hàng,...) hoặc số được khấu
trừ vào thu nhập.
Vì vậy, đề nghị độc giả căn cứ các nội dung nêu
trên và hướng dẫn có liên quan tại Thông tư số 24/2024/TT-BTC để xác định bút
toán hạch toán phù hợp với thực tế nghiệp vụ phát sinh tại đơn vị. Việc sử dụng
TK 334 để phản ánh khoản thanh toán cho người lao động nhằm đảm bảo theo dõi đầy
đủ, kịp thời các khoản phải chi trả của đơn vị cho người lao động; đáp ứng các
yêu cầu về thông tin tiền lương, tiền công đối với người lao động trong đơn vị
(như đã nêu trên).
2. Hạch
toán, ghi sổ kế toán là việc kế toán phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát
sinh trên cơ sở hồ sơ, chứng từ có liên quan; quy trình hạch toán không phát
sinh thêm chứng từ kế toán. Theo đó, nhận định của độc giả về việc “nếu phải hạch toán thông qua TK 334… sẽ phát
sinh thêm 1 khối lượng công việc và chứng từ khá lớn cho kế toán (từ hạch toán,
photo chứng từ kèm theo phiếu kế toán)” là không có cơ sở. Chế độ kế toán
hành chính, sự nghiệp hiện hành không có yêu cầu sao chụp thêm chứng từ cho các
bút toán hạch toán vào TK 334 (chứng từ làm căn cứ hạch toán đã phân tích tại
mục 1 nêu trên, theo đó căn cứ hạch toán bên Nợ TK 334 và bên Có TK 334 là khác
nhau).
Đề nghị độc giả nghiên
cứu thực hiện./.