Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Khánh Hòa (Ban QLDA) là chủ đầu tư của Dự án thành phần xây lắp thuộc Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận (Dự án) với quy mô đầu tư 56,70 km đường và xây dựng mới 15 cầu, sửa chữa 02 cầu hiện hữu trên tuyến còn tốt với chi phí xây dựng công trình (đã bao gồm thuế VAT 10%) là 1.448.317.534.165 đồng, trong đó: + Công trình đường bộ : 1.129.815.036.141 đồng + Công trình cầu đường bộ : 318.502.498.024 đồng Hiện nay, Ban QLDA đang gặp vướng mắc trong việc xác định phí bảo hiểm công trình theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 và khoản 1, khoản 2 Mục I Phụ lục III Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 06/9/2023 của Chính phủ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (gọi tắt là Nghị định 67) với 02 cách tính khác nhau, cụ thể như sau: 1. Cách tính thứ nhất: Xác định mức phí bảo hiểm cho toàn bộ công trình giao thông của dự án bằng tổng phí bảo hiểm công trình đường bộ và công trình cầu đường bộ. Cụ thể: - Phí bảo hiểm công trình đường bộ: 1.000.000.000.000 x 75% x 2,5‰ x 1,1 = 2.062.500.000 đồng. (1) - Phí bảo hiểm công trình cầu đường bộ: 318.502.498.024 × 6,0‰ x 75% x 1,1 = 1.576.587.365 đồng. (2) - Phí bảo hiểm cho công trình giao thông của dự án: (1) + (2) = 3.639.087.365 đồng Trong đó: + 2,5‰ và 6,0‰: Tỷ lệ phí bảo hiểm cho công trình đường bộ và cầu đường bộ theo quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục III của Nghị định 67/2023/NĐ-CP. + 75% và 1.000 tỷ đồng: Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Nghị định 67. + 75%: Hệ số điều chỉnh giảm quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 67. + 318.502.498.024 đồng: Giá trị xây dựng công trình cầu đường bộ theo hồ sơ mời thầu. + 1,1: Hệ số thuế giá trị gia tăng. 2. Cách tính thứ hai: Xác định mức phí bảo hiểm cho công trình giao thông của dự án bằng 1.000 tỷ đồng nhân (x) 75% tỷ lệ phí bảo hiểm được tính theo phương pháp bình quân gia quyền. Cụ thể: - Phương pháp bình quân gia quyền tỷ lệ phí bảo hiểm được tính bằng cách chia tổng phí bảo hiểm của công trình đường bộ và cầu đường bộ cho giá trị xây dựng công trình giao thông của dự án như sau: (1.129.815.036.141×2,5‰ + 318.502.498.024×6,0‰) ÷ 1.448.317.534.165 = 3,26969222342 ‰ - Phí bảo hiểm cho công trình giao thông của dự án 1.000.000.000.000 × 75% × 3,26969222342‰ × 1,1 = 2.697.496.084 đồng. Trong đó: + 2,5‰ và 6,0‰: Tỷ lệ phí bảo hiểm cho công trình đường bộ và cầu đường bộ theo quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục III của Nghị định 67/2023/NĐ-CP. + 1.448.317.534.165 đồng: Giá trị xây dựng cho toàn bộ công trình của dự án theo HSMT (Bao gồm Giá trị xây dựng công trình đường bộ là 1.129.815.036.141 đồng và công trình cầu đường bộ là 318.502.498.024 đồng). Để việc thực hiện bảo hiểm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, kính mong Bộ Tài chính xem xét có ý kiến sớm đối với 02 cách xác định tỷ lệ phí bảo hiểm nêu trên, cách nào là chính xác và phù hợp quy định theo khoản 1, khoản 2 Điều 37 và khoản 1, khoản 2 Mục I Phụ lục III Nghị định số 67/2023/NĐ-CP ngày 06/9/2023 của Chính phủ.
25/12/2024
Trả lời:

Trả lời Câu hỏi số 021224 - 9 của độc giả Phạm Thanh Sơn  về quy định tại Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (QLBH) có ý kiến như sau:

- Điều 32 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

- Khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng.

- Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định mức phí bảo hiểm (‰ theo giá trị công trình xây dựng hoặc ‰ theo giá trị hạng mục công trình, loại thiết bị lắp đặt vào công trình), mức khấu trừ bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng cho công trình đường bộ và công trình cầu đường bộ.

- Khoản 2 Điều 27 Thông tư số 67/2023/TT-BTC quy định về việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua hình thức đấu thầu phải tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và pháp luật về đấu thầu.

Tại công văn, độc giả Phạm Thanh Sơn chưa xác định công trình được đề cập có thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng hay không và chưa xác định công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng. Do vậy, đề nghị độc giả căn cứ quy định pháp luật liên quan và hồ sơ cụ thể để thực hiện theo đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đấu thầu và các quy định pháp luật có liên quan.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính xin thông tin tới độc giả Phạm Thanh Sơn./.
Gửi phản hồi: