Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi thuộc đơn vị lực lượng vũ trang (Quân đội) có 02 vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản công, xin phép được đặt câu hỏi như sau: - Đối với tài sản là công trình nhà, khi hoàn tất các thủ tục theo quy định đến bước triển khai xử lý tài sản bằng phương thức phá dỡ, thì có được thực hiện đơn vị tự tổ chức bằng nhân công bộ đội phá dỡ trước (không phát sinh chi phí phá dỡ) và sau khi tập kết vật tư thu hồi tổ chức thẩm định giá và đấu giá theo quy định, toàn bộ số tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước. Vậy có được phá dỡ trước, thẩm định giá bán vật tư thu hồi sau để kịp tiến độ dự án không, vì theo hiện nay vướng mắc các thủ tục thẩm định giá ngay từ đầu khi chưa phá dỡ, xin ý kiến giá khởi điểm, phê duyệt giá khởi điểm, tổ chức đấu giá, sau khi lựa chọn được đơn vị phá dỡ và kết hợp bán vật tư thu hồi thì mới tổ chức phá dỡ được, dẫn đến kéo dài thời gian phá dỡ ảnh hưởng đến tiến độ mặt bằng thi công dự án. - Đối với vật tư thu hồi từ việc phá dỡ tài sản là công trình nhà thì đơn vị có được tận dụng lại các vật tư thu hồi như (tôn, sắt, thép, xà gồ, cửa....) để thay thế, sửa chữa các công trình khác trong đơn vị không?
15/07/2024
Trả lời:

Nội dung trả lời:

- Tại Mục 5 Chương III (từ Điều 64 đến Điều 66) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã quy định chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

- Tại các Điều 30, 61 và 66 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định:

“Điều 30. Tổ chức thanh lý tài sản công theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ

1. Cơ quan nhà nước có tài sản thanh lý tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp tài sản phá dỡ là nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất có nguyên giá theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên thì phải đấu thầu hoặc đấu giá thanh lý. Việc đấu thầu hoặc đấu giá thanh lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc đấu thầu thanh lý được thực hiện trong trường hợp chỉ lựa chọn đơn vị thực hiện phá dỡ tài sản. Việc bán vật tư, vật liệu thu hồi từ việc phá dỡ, hủy bỏ thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định này. Trường hợp kết hợp việc phá dỡ tài sản với việc bán vật tư, vật liệu thu hồi thì áp dụng hình thức đấu thầu trong trường hợp dự toán chi phí thanh lý lớn hơn giá trị dự kiến của vật tư, vật liệu thu hồi; áp dụng hình thức đấu giá trong trường hợp dự toán chi phí thanh lý nhỏ hơn giá trị dự kiến của vật tư, vật liệu thu hồi. Giá trị dự kiến của vật tư, vật liệu thu hồi được xác định theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân được lựa chọn thông qua đấu thầu, đấu giá thực hiện việc phá dỡ tài sản kết hợp với việc bán vật tư, vật liệu thu hồi được thực hiện thanh toán bù trừ chi phí phá dỡ và giá trị vật tư, vật liệu thu hồi sau phá dỡ trên cơ sở kết quả đấu thầu, đấu giá.

Điều 61. Thanh lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng

1. Việc thanh lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng được áp dụng trong các trường hợp theo quy định tại Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thanh lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng chỉ được thực hiện sau khi làm thủ tục loại khỏi biên chế tài sản của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý.

3. Hình thức thanh lý:

a) Hình thức thanh lý tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Phế liệu thu hồi từ việc thanh lý tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

b) Bán vật liệu, vật tư thu hồi trong quá trình phá dỡ, hủy bỏ tài sản là công trình chiến đấu, công trình nghiệp vụ an ninh;

c) Các tài sản đặc biệt khác, sau khi đã tháo gỡ những bộ phận, phụ tùng còn sử dụng được phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật, phần còn lại được làm biến dạng để bán dưới dạng phế liệu;

d) Tài sản chuyên dùng được thanh lý theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng thực hiện theo quy định tại các Điều 29, 30 và 31 Nghị định này.

Điều 66. Nội dung khác về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân

Các nội dung về hình thành, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được quy định tại các Điều từ 58 đến 65 Nghị định này được áp dụng quy định có liên quan tại Mục 3 Chương II, Điều 65 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Chương II Nghị định này; đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì được áp dụng quy định có liên quan tại Mục 4 Chương II, Điều 65 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và quy định tại Chương III Nghị định này.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp tài sản là công trình nhà được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định thanh lý theo hình thức phá dỡ, hủy bỏ thì đơn vị được tự thực hiện việc phá dỡ, hủy bỏ tài sản hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc bán vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc phá dỡ, hủy bỏ được thực hiện theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; trong đó có nội dung về việc tận dụng vật tư thu hồi được từ phá dỡ tài sản thanh lý.

Cục QLCS đề nghị Cục Tin học và Thống kê tài chính trả lời bạn đọc theo nội dung trên./.  

Gửi phản hồi: