Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Hỏi: Kính gởi: Bộ Tài chính Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Đà Nẵng (Nhà trường) là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên và được phân loại nhóm 2 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, theo Quyết định 455/QĐ-SGTVT ngày 14/9/2022 của Sở Giao thông Vận tải về giao quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập. Quyết định số 7535/QĐ-UB ngày 243/9/2007 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà trường trong đó Điều 14 quy định nghề đào tạo của Trường: Lái xe ô tô tất cả các hạng từ hạng B (và FB) đến hạng E (và FE), xe máy thi công … và tại điểm 6, Điều 5 về cơ cấu tổ chức Trường bao gồm Trung tâm sát hạch lái xe là đơn vị trực thuộc được Sở Giao thông công chính thành lập tại Quyết định số 460/QĐ-SGTCC ngày 28/11/2006 với nhiệm vụ: Thực hiện các dịch vụ liên quan đến công tác sát hạch lái xe, cho thuê sân bãi và phương tiện của Trung tâm sát hạch lái xe theo quy định. Trước đây theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc cho thuê xe sát hạch và sân sát để học viên được ôn luyện trước mỗi kỳ sát hạch thì phải làm Đề án cho thuê tài sản công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Nay Nghị định 114/2014/NĐ-CP, ngày 15/9/2014 sủa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 30/10/2024. Trong đó Nghị định có sửa đổi, bổ sung Điều 41.a có quy định “Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tải sản công để phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định Điều 41b của Nghị định này thì không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh,…” Vậy, Kể từ ngày 30/10/2024 Nhà trường xây dựng giá dịch vụ công khai, niêm yết về sử dụng xe sát hạch, sân sát hạch để cho học viên thuê ôn tập, làm quen trước mỗi kỳ sát hạch, nhằm nâng cao chất lượng của mỗi kỳ sát hạch thì có thuộc đối tượng được phép hoạt động, không phải làm Đề án cho thuê. Rất mong nhận được sự quan tâm trả lời của Quý cấp./. 20/09/2024
10/01/2025
Trả lời:

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 41a Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 (được bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024) của Chính phủ:

+ Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định thì không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định, không phải báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khai thác tài sản theo quy định. Việc thuê quản lý vận hành tài sản để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

+ Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị theo quy định thì đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khai thác tài sản làm cơ sở thực hiện; không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

+ Trường hợp tài sản công phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mà đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng để cung cấp dịch vụ cho các đối tượng khác không phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 1 Điều 57, khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì được xác định là sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều 55, 56, 57 và 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42, 43, 44, 45, 46 và 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).

Trường hợp đơn vị sử dụng tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cung cấp dịch vụ cho cả đối tượng được cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị và các đối tượng khác không phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ công của đơn vị hoặc chỉ để cung cấp dịch vụ cho đối tượng không phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ công của đơn vị thì được xác định là sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều 55, 56, 57 và 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42, 43, 44, 45, 46 và 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).

- Tại Điều 41b Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP) của Chính phủ đã quy định cụ thể việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao (trong lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác); đồng thời quy định ngoài các tài sản quy định nêu trên thì căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực quy định các tài sản được sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ và việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực nào được thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên đây Bộ Tài chính trả lời bạn đọc về chính sách, pháp luật; đề nghị bạn đọc căn cứ thực tế quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị để thực hiện.

Cục QLCS đề nghị Cục Tin học và Thống kê tài chính trả lời bạn đọc theo nội dung trên./.  

Gửi phản hồi: