Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định, Sở Giao thông vận tải Phú Yên triển khai công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên 12 tuyến đường tỉnh lộ và các tuyến đường khác do UBND tỉnh Phú Yên giao với tổng chiều dài 234,52Km.

Tại Khoản 1, Mục II, Biểu 02, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng.

Theo Luật Giao thông đường bộ, trong công tác quản lý bảo trì đường bộ bao gồm có công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; công tác này thuộc nhóm công việc có tính chất thường xuyên của dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2020/TT-BGTVT).

Triển khai Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 cũng như thực hiện chủ trương và các quy định của Bộ Giao thông Vận tải nhằm tăng cường hiệu quả, tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ; được sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Yên, hiện nay trên các tuyến Tỉnh lộ do Sở Giao thông Vận tải Phú Yên quản lý thực hiện việc đầu thầu dịch vụ sự nghiệp công công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo hình thức đánh giá chất lượng thực hiện (đối với hệ thống quốc lộ đã triển khai thực hiện đấu thầu từ năm 2015).

Quá trình triển khai thực hiện, qua rà soát các quy định pháp luật liên quan Luật Giá, về cơ quan chức năng có thẩm quyền định giá cụ thể cho các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước chỉ mới quy định cho các trường hợp thực hiện đặt hàng, chưa có quy định cho các dịch vụ thực hiện đấu thầu, cụ thể:

- Theo quy định tại Điểm g Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 149/2016/NĐ- CP): “4. Ủy ban nhân dân tỉnh quy định: … g) Giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công và hàng hóa, dịch vụ được địa phương đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, kinh doanh sử dụng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật;”

Ngoài ra, theo quy định tại mục 17 Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024): Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định giá cụ thể đối với “Sản phẩm, dịch vụ công (dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích) trong danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành, sử dụng ngân sách nhà nước và thuộc thẩm quyền đặt hàng của cơ quan, tổ chức ở địa phương”.

Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang triển khai xác định giá dịch vụ sự nghiệp công tác Quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tỉnh lộ, tỉnh Phú Yên giai đoạn từ năm 2024 – 2027 để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện.

Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan Luật Giá, Sở Giao thông vận tải Phú Yên kính đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc xác định cơ quan có thẩm quyền để định giá đối với các sản phẩm, dịch vụ công (dịch vụ sự nghiệp công và sản phẩm, dịch vụ công ích) trong danh mục được cấp có thẩm quyền ban hành, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo phương thức “đấu thầu”.

10/06/2024
Trả lời:

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khoản 32 Điều 3 quy định “Cơ quan quản lý đường bộ là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)”; khoản 6 Điều 85 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông đường bộỦy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương”;

Theo khoản 1 mục II Biểu 2 Phụ lục 1 kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định: dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 6, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP:

Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền lựa chọn phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công phù hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền lựa chọn thực hiện theo phương thức đấu thầu, đề nghị nghiên cứu các quy định pháp luật về đấu thầu để thực hiện theo đúng quy định.

Đồng thời, dịch vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải; pháp luật đấu thầu do Bộ Kế hoạch Đầu tư tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội ban hành. Do đó, đối với nội dung hướng dẫn xác định thẩm quyền định giá dịch vụ sự nghiệp công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến tỉnh lộ thực hiện theo phương thức đấu thầu, đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


160524-6_638536090189216997_CV-5943.pdf
Gửi phản hồi: