Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi công tác tại Phòng Nông nghiệp trực thuộc UBND huyện Tuy Đức. Tôi xin được tư vấn về nội dung quy định tại Thông tư 71/2014/TTLT-BTC-BNV như sau: Đơn vị tôi trong năm có chi hỗ trợ tiền lễ, tết cho công chức từ nguồn chi thường xuyên được ngân sách nhà nước giao từ đầu năm (nội dung này được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, và chi thực chi, chi trực tiếp cho công chức). Khoản chi này căn cứ theo điểm a, khoản 5, Điều 3 của TT71 (chi phúc lợi tập thể). Tôi chi thực chi cho công chức chứ không xác định khoản tiết kiệm theo Điều 7 của TT71. Như vậy, tôi chi trực tiếp cho công chức đã đúng chưa? Hay bắt buộc tôi phải xác định khoản tiết kiệm rồi tạm chi cho công chức? Tôi đọc TT71 thì tôi hiểu: trong năm đơn vị vẫn cứ thực chi phúc lợi tập thể cho công chức theo Điều 5 TT71. Sau khi kết thúc năm ngân sách, đã xác định được khoản tiết kiệm, thì đơn vị tiếp tục được chi phúc lợi tập thể theo điều 7 TT71 (ngoài những khoản đã chi từ Điều 5). Nhờ BTC giải đáp giúp tôi với ạ. Tôi chân thành cảm ơn!
12/01/2024
Trả lời:

1. Quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước:

* Khoản 5, Điều 3: “5. Nội dung chi kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ:

a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định”.

* Khoản 7, Điều 3:b) Kinh phí tiết kiệm được sử dụng cho các nội dung sau:

- Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động;

- Chi khen thưởng: Chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân theo kết quả công việc và thành tích đóng góp ngoài chế độ khen thưởng theo quy định hiện hành của Luật Thi đua khen thưởng;

- Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể: Hỗ trợ các hoạt động đoàn thể; hỗ trợ các ngày lễ, tết, các ngày kỷ niệm (kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam, ngày thương binh liệt sỹ, ngày quân đội nhân dân... ), trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất; trợ cấp ăn trưa, chi đồng phục cho cán bộ, công chức và người lao động của cơ quan; trợ cấp hiếu, hỷ, thăm hỏi ốm đau; trợ cấp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; hỗ trợ cho cán bộ, công chức và người lao động trong biên chế khi thực hiện tinh giản biên chế; chi khám sức khỏe định kỳ, thuốc y tế trong cơ quan; chi xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi;

- Trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức: Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

c) Thủ trưởng cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm nêu trên trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan sau khi đã thống nhất ý kiến bằng văn bản với tổ chức công đoàn cơ quan.

* Khoản 3, Điều 5:

“3. Về tạm chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi và chi khen thưởng:

3.1. Trong năm, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được tạm ứng từ dự toán đã giao thực hiện chế độ tự chủ để chi thu nhập tăng thêm, chi cho các hoạt động phúc lợi.

3.2. Mức tạm chi:

a) Để động viên cán bộ, công chức và người lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; căn cứ tình hình thực hiện của quý trước, nếu xét thấy cơ quan có khả năng tiết kiệm được kinh phí; Thủ trưởng cơ quan căn cứ vào số kinh phí có thể tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan theo quý. Mức tạm chi hàng quý tối đa không quá 60% quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định trong một quý của cơ quan;

b) Trong năm, Thủ trưởng cơ quan căn cứ vào số kinh phí có khả năng tiết kiệm được để quyết định tạm chi trước đối với các hoạt động phúc lợi, chi khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất cho tập thể, cá nhân và hạch toán theo dõi khoản tạm chi;

2. Quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP thì Văn phòng UBND huyện là đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính.

Tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP quy định kinh phí quản lý hành chính giao để thực hiện chế độ tự chủ như sau: Kinh phí quản lý hành chính giao cho các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được xác định và giao hàng năm trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao, kể cả biên chế dự bị (nếu có) và định mức phân bổ ngân sách nhà nước tính trên biên chế; các khoản chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù theo chế độ quy định”.

- Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg quy định về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương như sau: “... Căn cứ khả năng tài chính – ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi ngân sách địa phương đảm bảo phù hợp với từng cấp chính quyền địa phương, phù hợp với tính hình thực tế của từng lĩnh vực chi và theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước để làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách ở địa phương năm 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định dự toán ngân sách mới; đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Theo đó, đề nghị Quý độc giả căn cứ theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương và quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV nêu trên để triển khai thực hiện theo quy định. 

Gửi phản hồi: