Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Cục giám sát bảo hiểm. Tôi có thắc mắc sau đây: Em tôi Lê Văn Đức không may bị bệnh đột ngột (nhồi máu cơ tim cấp) qua đời 17/1/2023. Hồi lúc vay tiền, Đức có mua bảo hiểm tiền vay của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI) (chi nhánh TP Cần Thơ). Số giấy chứng nhận bảo hiểm: 021022462243. Số CMND: 365573684. Trong giấy chứng nhận bảo hiểm ghi tử vong do bệnh có 2 mức: Bệnh thông thường bồi thường 400 triệu; bệnh đặc biêt, bệnh có sẳn bồi thường 100 triệu. Khi mua bảo hiểm không được tư vấn rõ ràng, trong giấy chứng nhận bảo hiểm có ghi bệnh đặc biêt mà không có liệt kê ra các bệnh đặc biệt hoặc kèm phụ lục 1 (danh mục bệnh đặc biệt). Cho đến khi gia đình thắc mắc vì sao chết đột ngột mà chỉ bồi thường có 100 triệu thì phía Tổng Công ty bảo hiểm (VBI) mới gửi phụ lục 1 cho xem và nói là bồi thường đúng theo hợp đồng của giấy chứng nhận bảo hiểm trong giấy chứng nhận bảo hiểm chưa rõ ràng, gây ngộ nhận… Măc khác qua tìm hiểu được biết: cùng hoạt ở lĩnh vực như nhau, cùng sản phẩm là mua bảo hiểm tiền vay mà Tổng Công ty bảo hiểm (VBI) có sự khác biệt về"quyền lợi thụ hưởng của người mua bảo hiểm tiền vay" với một số công ty bảo hiểm khác?. Tôi xin trich dẫn chứng 2 Công ty sau: * Của Công ty Bảo hiểm PVI: Tại Điều 6: Quyền lợi bảo hiểm 6.1.Trường hợp Người được bảo hiểm tử vong: Nếu Người được bảo hiểm tử vong do tai nạn, ốm đau, bệnh tật thuộc phạm vi bảo hiểm, Bảo hiểm PVI sẽ thanh toán 100% Số tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng bảo hiểm. 6.2. Trường hợp Người được bảo hiểm tử vong do bệnh đặc biệt, bệnh có sẵn khi tham gia bảo hiểm từ năm thứ hai trở đi, Bảo hiểm PVI sẽ thanh toán 100% Số tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng bảo hiểm. * Của Công ty bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp ABIC, khi tử vong thì được bồi thường 100% sô tiền vay tại thời điểm tử vong. Vậy kính xin Bộ Tài chính giải đáp dùm thắc mắc trên và cho ý kiến về trường hợp này gia đình nên làm gì để đảm bảo quyền lợi. Rát mong được sự phản hồi.
27/03/2023
Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về Hợp đồng bảo hiểm: “1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm...”.

- Theo quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về hình thức hợp đồng bảo hiểm:“Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm…và các hình thức khác do pháp luật quy định.”

- Theo quy định tại điểm c Khoản 5 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài xây dựng phải bảo đảm: “c) Thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp;”

- Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về căn cứ trả tiền bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người: “1. Trong bảo hiểm tai nạn con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào thương tật thực tế của người được bảo hiểm và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. 2. Trong bảo hiểm sức khoẻ con người, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ của người được bảo hiểm do bệnh tật hoặc tai nạn gây ra và thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”

Phiếu câu hỏi của độc giả Nguyễn Chu Toàn không cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao kết hợp đồng bảo hiểm (Giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm...), do đó không thể xác định được cụ thể loại sản phẩm bảo hiểm và nội dung thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm tại hợp đồng bảo hiểm.

Đề nghị bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng căn cứ quy định pháp luật và thỏa thuận cụ thể tại hợp đồng bảo hiểm yêu cầu DNBH trả tiền bảo hiểm, trường hợp không thống nhất với cách thức giải quyết bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm có thể đưa ra tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính xin thông tin tới Quý độc giả./.
Gửi phản hồi: