Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Công ty chúng tôi thực hiện mua tài sản là Sàn cho thuê văn phòng có chứng nhận quyền sử dụng đất. Chúng tôi thực hiện lắp đặt hệ thống điện trong tài sản, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điều hòa âm trần. Theo thông tư 200 Căn cứ điểm c khoản 1 điều 35 thông tư 200/2014/TT-BTC quy định: "Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản và mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập." - Vậy Chúng tôi thực hiện ghi nhận các hạng mục kèm theo này như thế nào. Ghi nhận hệ thống phòng cháy chữa cháy này vào giá trị sàn bất động sản và thực hiện trích khấu hao cùng thời gian tòa nhà hay hạch toán riêng và tính thời gian khấu hao theo thông tư 45/2013. - Ghi nhận hệ thống điều hòa âm trần này vào giá trị sàn bất động sản và thực hiện trích khấu hao cùng thời gian tòa nhà hay hạch toán riêng và tính thời gian khấu hao theo thông tư 45/2013. - Ghi nhận hệ thống điện này vào giá trị sàn bất động sản và thực hiện trích khấu hao cùng thời gian tòa nhà hay hạch toán riêng, và tính thời gian khấu hao theo thông tư 45/2013. Vậy tôi kính mong được hướng dẫn ghi nhận phù hợp nhất
22/02/2023
Trả lời:

Tại Đoạn 27 Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 - Tài sản cố định hữu hình quy định:

“Trường hợp một số bộ phận của TSCĐ hữu hình đòi hỏi phải được thay thế thường xuyên, được hạch toán là các TSCĐ độc lập nếu các bộ phận đó thỏa mãn đủ bốn (4) tiêu chuẩn quy định cho TSCĐ hữu hình. Ví dụ máy điều hòa nhiệt độ trong một ngôi nhà có thể phải thay thế nhiều lần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của ngôi nhà đó thì các khoản chi phí phát sinh trong việc thay thế hay khôi phục máy điều hòa được hạch toán thành một tài sản độc lập và giá trị máy điều hoà khi được thay thế sẽ được ghi giảm.”

Tại Đoạn 29 Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 - Tài sản cố định hữu hình quy định:

“Giá trị phải khấu hao của TSCĐ hữu hình được phân bổ một cách có hệ thống trong thời gian sử dụng hữu ích của chúng. Phương pháp khấu hao phải phù hợp với lợi ích kinh tế mà tài sản đem lại cho doanh nghiệp. Số khấu hao của từng kỳ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi chúng được tính vào giá trị của các tài sản khác, như: Khấu hao TSCĐ hữu hình dùng cho các hoạt động trong giai đoạn triển khai là một bộ phận chi phí cấu thành nguyên giá TSCĐ vô hình (theo quy định của chuẩn mực TSCĐ vô hình), hoặc chi phí khấu hao TSCĐ hữu hình dùng cho quá trình tự xây dựng hoặc tự chế các tài sản khác.”

Tại điểm c khoản 1 Điều 35 Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định:

“Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản và mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.”

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp có các hệ thống lắp đặt trong văn phòng như hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điều hòa... có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản và mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.

Việc quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Quý độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: