1. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính
phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì:
“Điều 9. Chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
…5. Chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không
lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,05% giá gói thầu nhưng tối thiểu là
1.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng.
…7. Chi phí quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này áp dụng đối
với trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu trực tiếp thực hiện. Đối với trường hợp
thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện các công việc nêu tại các Khoản 2, 3, 4, 5 và
6 Điều này, việc xác định chi phí dựa trên các nội dung và phạm vi công việc,
thời gian thực hiện, năng lực kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn và các yếu tố
khác.
…”
Như vậy, quy định nêu trên chỉ đề cập đến trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu
trực tiếp thực hiện hoặc thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện các công việc thuộc
quá trình lựa chọn nhà thầu (bao gồm công
việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu); không đề cập đến trường hợp cơ
quan nhà nước thực hiện các công việc này.
2. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 6 Điều 129 Nghị định số Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông
tư số 190/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 quy định việc quản lý, sử dụng chi phí
trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn
trái phiếu Chính phủ; trong đó, tại Điều 6 đã hướng dẫn việc lập dự toán, quản
lý, sử dụng các khoản chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu đối với trường
hợp chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trực tiếp thực hiện và trường hợp thuê tư vấn
đấu thầu để thực hiện một hoặc toàn bộ các công việc (trong đó bao gồm công việc
thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu).
3. Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày
11/12/2015 của Bộ Kế hoạch và
Đầu tư và Bộ Nội vụ hướng dẫn
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh) và Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân huyện,
quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp
huyện) (nay là khoản 2 Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BKHĐT ngày 06/5/2022 của Bộ
trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
quy định:
“Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn
Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định
của pháp luật về lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư và các nhiệm vụ, quyền
hạn cụ thể sau:
…2. Lập, thẩm định, tổng hợp kế hoạch đầu tư công trong phạm vi nhiệm vụ
được giao và nguồn vốn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý; thẩm định kế hoạch
lựa chọn nhà thầu đối với các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết
định đầu tư; thẩm định hồ sơ mời
quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ
sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả
lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện
làm chủ đầu tư.”
Như vậy, việc thẩm định kết quả lựa
chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án do Ủy ban nhân dân huyện làm chủ đầu tư là nhiệm vụ của
Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện; chi phí thực hiện được bố trí trong dự toán
chi thường xuyên của Phòng Tài chính - Kế hoạch. Do đó, việc sử dụng chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà
thầu theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ để chi cho cán bộ, công chức của Phòng Tài chính - Kế hoạch
huyện Krông pa, tỉnh Gia Lai làm nhiệm vụ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối
với các gói thầu thuộc dự án do Ủy ban nhân dân huyện làm chủ đầu tư là chưa có cơ sở. Trường hợp còn
vướng mắc, đề nghị độc giả có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét, xử lý theo thẩm quyền.