1. Điều 3 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định về nguồn kinh phí thanh toán như sau:
“Nguồn kinh phí thanh toán tiền phương tiện đi lại, phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép; thanh toán tiền lương, tiền bồi dưỡng đối với những ngày chưa nghỉ phép hàng năm cho các đối tượng quy định tại Điều 2 nêu trên được bố trí trong phạm vi dự toán chi ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao và nguồn thu hợp pháp được để lại theo chế độ quy định của cơ quan, đơn vị. Đối với các đơn vị sự nghiệp hoạt động theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL; các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thì kinh phí thực hiện thanh toán tiền, phương tiện đi lại, phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép hàng năm; kinh phí thực hiện chế độ đối với những ngày chưa đi nghỉ phép hàng năm được tính vào khoản chi phí hoạt động, chi phí hợp lý để xác định phần chênh lệch thu, chi của đơn vị”.
2. Theo nội dung câu hỏi của bạn đọc, Trung tâm phát triển Quỹ đất là đơn vị sự nghiệp do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Thông tư 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định:
- Khoản 1 Điều 5 quy định về nguồn tài chính chi thường xuyên, gồm:
+ Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực SNKT và sự nghiệp khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền giao;
+ Nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ ccung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
+ Nguồn ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên trên cơ sở số lượng người làm việc mà định mức phân bổ dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Nguồn thu phí được để lại chi thường xuyên theo quy định;
+ Nguồn thu từ hoạt động khác (nếu có).
- Khoản 1 Điều 12 quy định về chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên
Đơn vị được sử dụng nguồn tài chính quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này để chi nhiệm vụ được giao, gồm: Chi tiền lương, tiền công; phụ cấp lương; các khoản đóng góp theo chế độ quy định hiện hành; chi thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin liên lạc, tuyên truyền; công tác phí; chi nghiệp vụ chuyên môn, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, viên chức theo quy định; sơ kết, tổng kết; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; thuê mướn (nếu có); chi quản lý; các khoản chi khác.
Theo đó đề nghị độc giả nghiên cứu hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 141/2011/TT-BTC và Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 145/2017/TT-BTC nêu trên để thực hiện theo quy định.