Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
1.Công ty chúng tôi là Công Ty TNHH Một Thành Viên do 1 cá nhân làm chủ, năm 2016 và 2017 công ty có lợi nhuận sau thuế là trên 1.000.000.000 đồng, nhưng chưa có chia lợi nhuận này cho chủ sở hữu. Kế toán doanh nghiệp đã tiến hành định khoản và hạch toán theo nguyên tắc kế toán như sau: theo thông tư 200/2014/TT-BTC (ban hành ngày 22/12/2014 có hiệu lực áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2015. - Khi có quyết định thông báo lợi nhuận được chia cho chủ sở hữu kế toán ghi nhận: Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (4212) Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388) (chưa trả). - Năm 2018 công ty tiến hành trả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2016 và 2017 cho chủ sở hữu kế toán ghi nhận như sau: Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3388) Có các TK 111(số tiền thực trả). => Vậy kế toán doanh nghiệp đã hạch toán như vậy là đúng hay chưa đúng ? Nếu chưa đúng thì phải hạch toán như thế nào?
30/08/2019
Trả lời:

Trả lời câu hỏi số 220819-8 của quý độc giả về trường hợp hạch toán lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 74 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì khi có quyết định hoặc thông báo trả cổ tức, lợi nhuận được chia cho các chủ sở hữu, kế toán ghi giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và ghi tăng khoản phải trả, phải nộp khác. Khi trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu, kế toán ghi giảm khoản phải trả, phải nộp khác đồng thời ghi giảm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng.

Căn cứ vào quy định nêu trên, công ty hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến việc chi trả lợi nhuận, cổ tức được chia cho chủ sở hữu như mô tả trong nội dung câu hỏi là phù hợp với quy định hiện hành về kế toán.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị quý độc giả nghiên cứu./.

Gửi phản hồi: