Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Thưa Bộ tài chính, tôi muốn giải đáp vấn đề về kế toán như sau: Theo thông tư 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất. chúng tồi có trường hợp sau: A đầu tư trực tiếp vào B với tỷ lệ sở hữu tài sản thuần là 45%, A đầu tư trực tiếp vào C với tỷ lệ sở hữu tài sản thuần 40%, B đầu tư trực tiếp vào C với tỷ lệ sở hữu tài sản thuần là 30% (các trường hợp đầu tư trên đều không thuộc trường hợp đặc biệt khi có thể chứng minh được rằng việc nắm giữ nói trên không gắn liền với quyền kiểm soát). Như vậy, theo thông tư 202/2014/TT-BTC , A không phải là công ty mẹ của C vì B không phải là con của A có đúng không? ( điều 9 có nêu ". Quyền kiểm soát được thiết lập khi công ty mẹ nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con khác trên 50% quyền biểu quyết ở công ty con "). Kính mong Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn để đơn vị kịp thời triển khai thực hiện.
05/08/2019
Trả lời:

Cho mục đích lập và trình bày Báo cáo tài chính, tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 quy định: “1. Một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác nếu có quyền kiểm soát thông qua việc chi phối các chính sách tài chính và hoạt động nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của công ty này mà không chỉ xét tới hình thức pháp lý, hay tên gọi của công ty đó. Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở Công ty con. Trường hợp có sự khác biệt giữa tỷ lệ quyền biểu quyết theo giấy đăng ký kinh doanh và tỷ lệ quyền biểu quyết tính trên cơ sở vốn thực góp thì quyền biểu quyết được xác định theo điều lệ doanh nghiệp hoặc theo sự thống nhất giữa các bên;

b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty con;

c) Có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;

d) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty con;

đ) Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;

e) Có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận.”

         Căn cứ quy định trên thì một trong những trường hợp mà một công ty được coi là công ty mẹ của một công ty khác khi nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết trực tiếp hoặc gián tiếp ở công ty đó.  

         Ví dụ Quý Độc giả nêu mới chỉ đề cập đến tỷ lệ sở hữu tài sản thuần mà không đề cập đến quyền biểu quyết của công ty. Vì vậy đề nghị Quý Độc giả căn cứ quy định trên và thực tế tại công ty để xác định tỷ lệ quyền biểu quyết trực tiếp và gián tiếp của công ty A tại công ty C, trên cơ sở đó mới xác định được công ty A có phải công ty mẹ của công ty C hay không.

         Trường hợp tỷ lệ sở hữu tài sản thuần trong ví dụ Quý Độc giả đưa ra giả định tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết ở Công ty và các trường hợp đầu tư trên đều không thuộc trường hợp đặc biệt khi có thể chứng minh được rằng việc nắm giữ trên không gắn liền với quyền kiểm soát, khi đó:

-  A có tỷ lệ sở hữu tài sản thuần tại B là 45% thì A có 45% quyền biểu quyết tại B. Theo đó, A chỉ có ảnh hưởng đáng kể, không phải công ty mẹ của công ty B

-  A có tỷ lệ sở hữu tài sản thuần tại C là 40% thì A có 40% quyền biểu quyết tại C.

-  B có tỷ lệ sở hữu tài sản thuần tại C là 30% thì B có 30% quyền biểu quyết tại C.

          Như vậy, A mới có 40% quyền biểu quyết trực tiếp tại C. Quyền biểu quyết gián tiếp của A tại C không thể xác định do B không phải là công ty con của A. Vì vậy, không có căn cứ để khẳng định A là công ty mẹ của C.

          Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính. Đề nghị Quý Độc giả nghiên cứu, bổ sung thông tin để Bộ Tài chính có căn cứ hướng dẫn.

Gửi phản hồi: