Nội dung thư độc giả hỏi về việc hạch toán hao
mòn TSCĐ, xuất kho NVL sử dụng, XDCB hoàn thành bàn giao theo Thông tư 24/2024/TT-BTC
ngày 17/4/2024 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp,
Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ
Tài chính có ý kiến như sau:
1. Xuất phát từ việc
ghi nhận doanh thu tại Thông tư 24/2024/TT-BTC theo nguyên tắc mới so với quy định tại Thông
tư 107/2017/TT-BTC nên số dư Có trên Tài khoản 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế sẽ phản
ánh khoản thặng dư lũy kế không được phân phối, bao gồm giá trị còn lại của
TSCĐ, nguồn đầu tư xây dựng đã thanh toán khối lượng hoàn thành và các nguồn
khác (có thể là nguồn của nguyên liệu, vật liệu tồn kho,...). Theo đó, tại Phụ
lục VI Thông tư 24/2024/TT-BTC đã hướng dẫn chuyển đổi số dư từ TK 366- Các
khoản nhận trước chưa ghi thu sang Tài khoản 421- Thặng dư (thâm hụt)
lũy kế.
2. Đối với các trường
hợp độc giả hỏi, từ năm 2025 hạch toán như sau:
- Khi tính hao mòn
TSCĐ, xuất kho nguyên liệu, vật liệu sử dụng, ghi:
Nợ các TK 611, 612,...
Có TK 214, 152
Cuối năm, kết chuyển
chi phí để xác định kết quả hoạt động thì số liệu sẽ bù trừ trên số dư của TK
421.
- Đối với công trình đầu
tư xây dựng:
+ Khi dự án, công
trình đang xây dựng dở dang, chưa bàn giao đưa vào sử dụng: Chi phí đầu tư xây
dựng dự án, công trình dở dang được phản ánh ở số dư bên Nợ của TK 2412- Đầu
tư xây dựng dở dang, đồng thời trong trường hợp đã thanh toán khối lượng
hoàn thành thì nguồn đầu tư xây dựng đã thanh toán khối lượng hoàn thành
được phản ánh trên số dư Có của TK 421.
+ Khi công trình xây
dựng đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng cho hoạt động của đơn vị (đã hạch
toán Nợ TK 211/Có TK 2412,...) thì số dư Có của TK 421 trước đây phản ánh nguồn
đầu tư xây dựng đã thanh toán khối lượng hoàn thành chuyển thành phản ánh nguồn
giá trị còn lại của tài sản cố định tương ứng.
Các nghiệp vụ kinh tế này đã được hướng dẫn đầy đủ,
rõ ràng tại Phụ lục I Thông tư 24/2024/TT-BTC, đề nghị độc giả nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng quy định./.