Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, tôi đang công tác tại Phòng TC-KH Bảo Lộc, Lâm Đồng, tôi có 01 vướng mắc liên quan đến việc chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập như sau, kính mong Bộ Tài Chính hướng dẫn thêm: 1. Năm 2024, UBND thành phố đã giao dự toán thu, chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt giai đoạn 2023-2025; trong đó, dự toán nguồn thu sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập được xây dựng căn cứ vào Nghị quyết số của HĐND tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh. Ngày 12/7/2024, HĐND tỉnh quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2024-2025, thời gian thực hiện từ tháng 9/2024; theo đó, số thu học phí từ tháng 9/2024 đến tháng 12/2024 so với dự toán đã giao đầu năm 2024 giảm khá lớn, dẫn đến một số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) không đủ kinh phí để đảm bảo chi lương cho viên chức, người lao động trong những tháng cuối năm, có 1 số đơn vị nguồn thu không đủ để đảm bảo chi hoạt động cho số lượng người hưởng lương từ nguồn thu. 2. Tại Khoản 6 Điều 9 Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập: “Trong thời kỳ ổn định tự chủ tài chính, trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động lớn về tình hình kinh tế xã hội, thay đổi chính sách, chế độ hoặc do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh dẫn đến biến động lớn về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi, từ đó làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, sau khi đơn vị đã sử dụng các Quỹ được trích lập còn dư theo quy định nhưng cân đối thu chi của đơn vị đến cuối năm ngân sách không đảm bảo theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt, vào quý I của năm tiếp theo, đơn vị có trách nhiệm xây dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính cho thời gian còn lại của thời kỳ ổn định”. - Tuy nhiên, hiện tại khi thực hiện số thu học phí theo mức mới thì nguồn thu sự nghiệp năm 2024 (từ tháng 9/2024-12/2024) giảm lớn so với dự toán giao đầu năm, trong khi việc thực hiện điều chỉnh lại phương án tự chủ chỉ được thực hiện trong quý I năm 2025. Vì vậy, để đảm bảo kinh phí chi lương cho viên chức, người lao động ở một số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, địa phương có thể thực hiện điều chỉnh lại phương án tự chủ (trong Quý 4) để có cơ sở hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị được không? Kính mong Bộ Tài Chính hướng dẫn thêm để địa phương thực hiện, xin cảm ơn!
24/01/2025
Trả lời:
Tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định: “1. Việc phân bổ và giao dự toán hằng năm của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trong đó, đối với đơn vị nhóm 3 và nhóm 4, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị”.
- Căn cứ theo khoản 6 Điều 9 Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thì trong thời kỳ ổn định tự chủ tài chính, trường hợp có biến động lớn về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi, từ đó làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính của đơn vị, sau khi đơn vị đã sử dụng các Quỹ được trích lập còn dư theo quy định nhưng cân đối thu chi của đơn vị đến cuối năm ngân sách không đảm bảo theo phương án tự chủ tài chính đã được phê duyệt, vào quý I của năm tiếp theo, đơn vị có trách nhiệm xây dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính cho thời gian còn lại của thời kỳ ổn định. Trình tự xem xét, phân loại và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Điều 9 Thông tư.
Như vậy, hằng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ đối với đơn vị nhóm 3, nhóm 4 căn cứ vào dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định và các yếu tố biến động do thay đổi chính sách, chế độ của Nhà nước làm thay đổi dự toán thu, chi của đơn vị. Trường hợp các đơn vị nhóm 3, nhóm 4 có biến động lớn về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi, từ đó không đảm bảo được chi thường xuyên thì đề nghị đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung dự toán chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. 
Trong thời kỳ ổn định tự chủ tài chính, trường hợp các đơn vị có biến động lớn về nguồn thu hoặc nhiệm vụ chi, từ đó làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính của đơn vị thì đề nghị đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính cho thời gian còn lại theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và khoản 6 Điều 9 Thông tư số 56/2022/TT-BTC nêu trên.
Gửi phản hồi: