Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Theo quy định tại Chương VI (từ Điều 67 đến Điều 83) của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, việc thực hiện mua sắm tập trung (MSTT) theo danh mục tài sản được phê duyệt; trong đó, nguồn kinh phí thực hiện MSTT được quy định cụ thể tại Điều 70 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;... (không quy định đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện MSTT) Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó tại Chương VI về mua sắm tập trung không quy định cụ thể nguồn kinh phí thực hiện MSTT. Đồng thời, tại điểm b khoản 1 Điều 134 có quy định: Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Điều 69, 70, 71, 72, 73, 75, 76, 77 và 78 của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công hết hiệu lực thi hành. Do đó, quy định về nguồn kinh phí thực hiện MSTT theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Như vậy, kể từ khi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì các nguồn thu phí được để lại tại đơn vị theo chế độ quy định, thu sự nghiệp, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, tự đảm bảo chi thường xuyên, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; thu vận động, tài trợ, xã hội hóa... có phải thực hiện mua sắm tài sản thuộc danh mục MSTT theo phương thức tập trung hay không? và cấp thẩm quyền nào có trách nhiệm ban hành quyết định nguồn kinh phí MSTT tại địa phương? Kính đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến hướng dẫn cụ thể về nội dung nêu trên để địa phương có cơ sở thực hiện./.
31/10/2024
Trả lời:

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 3 Điều 31, khoản 1 Điều 50, khoản 3 Điều 52 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017: (1) Một trong những nguồn hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước là mua sắm từ ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; nguồn hình thành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập là mua sắm từ ngân sách nhà nước, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. (2) Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng bắt buộc đối với tài sản thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã quy định các nội dung liên quan đến mua sắm tập trung; đồng thời, tại điểm b khoản 1 Điều 134 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã quy định các Điều 69, 70, 71, 72, 73, 75, 76, 77 và 78 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Vì vậy, trường hợp có vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ thì đề nghị bạn đọc liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Cục QLCS đề nghị Cục Tin học và Thống kê tài chính trả lời bạn đọc theo nội dung trên./.  

Gửi phản hồi: