Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính, Tôi có đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện một đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh thuộc lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Đề tài gồm các nội dung nghiên cứu, trong đó có nội dung hiện thực sản phẩm nghiên cứu thông qua xây dựng phần mềm theo bảng thuyết minh các chức năng, tính năng, yêu cầu kỹ thuật phần mềm, số trường hợp sử dụng phần mềm,... đã được hội đồng thẩm định khoa học thông qua và được đơn vị đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN chấp thuận nội dung thực hiện. Tất cả nội dung thực hiện sản phẩm đề tài này (phần mềm tin học) được dự trù kinh phí đều được tính theo số ngày công lao động và khối lượng công việc thực hiện bởi chính các thành viên trong đề tài tự thực hiện (tự thực hiện theo từng chức năng cụ thể, không mua sắm hoặc thuê chức năng phần mềm). Căn cứ theo thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về việc Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bố dự toán và quyết toán kinh phí đối vói nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Căn cứ Thông tư 03/2023/TT-BTC về lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Căn cứ Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi trong nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước. Quy định "Sản phẩm khoa học và công nghệ của nhiệm vụ đã được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng" và "Các phần công việc không được giao khoán: a) Mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu (vật liệu, hóa chất), phụ tùng phục vụ hoạt động nghiên cứu chưa được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật. b) Sửa chữa, mua sắm tài sản cố định." Vậy cho tôi hỏi: Việc quyết định sản phẩm nghiên cứu của đề tài và phần nội dung công việc xây dựng phần mềm trên là phần công việc Không giao khoán có đúng theo quy định, hướng dẫn của thông tư BTC? Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phần kinh phí thực hiện nội dung trên. Xin trân trọng cám ơn!
12/04/2023
Trả lời:

1. Quy định về khoán chi sản phẩm KH&CN tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính như sau:

- Khoản 1 Điều 6 quy định về điều kiện nhiệm vụ được thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

a) Nhiệm vụ được tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ thuyết minh và đề xuất thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;

b) Sản phẩm khoa học và công nghệ của nhiệm vụ đã được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng;

c) Nhiệm vụ có tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước đối với các nội dung quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 3 Điều 7 Thông tư này phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu chiếm không quá 15% tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ và không quá 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng);

d) Được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ xem xét và đề xuất khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;

đ) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.”.

- Khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 quy định về nhiệm vụ thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần:

1. Các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần. Các phần công việc khoán chi, phần công việc không khoán chi được xác định trên cơ sở thuyết minh của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ.

2. Các phần công việc được giao khoán

a) Công lao động trực tiếp, gồm: công lao động cho các chức danh nghiên cứu; thuê chuyên gia trong nước và chuyên gia ngoài nước phi hợp trong quá trình nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ.

b) Chi quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

c) Hội thảo khoa học, công tác trong nước phục vụ hoạt động nghiên cứu.

d) Tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ (nếu có).

đ) Điều tra, khảo sát thu thập số liệu.

e) Mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, phụ tùng phục vụ hoạt động nghiên cứu đã được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

g) Mua dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng, năng lượng, tài liệu, tư liệu, số liệu, sách, báo, tạp chí tham khảo; dịch vụ thuê ngoài; văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, in, phô tô tài liệu phục vụ hoạt động nghiên cứu.

h) Các công việc khác liên quan trực tiếp đến triển khai thực hiện nhiệm vụ và không thuộc các phần công việc quy định tại Khoản 3, Điều 7 Thông tư này.

3. Các phần công việc không được giao khoán

a) Mua nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu (vật liệu, hóa chất), phụ tùng phục vụ hoạt động nghiên cứu chưa được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

b) Sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, bao gồm:

- Mua tài sản thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu.

- Thuê tài sản trực tiếp tham gia thực hiện nghiên cứu.

- Khấu hao tài sản cố định.

- Sửa chữa trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu.

c) Đoàn ra.”.

- Điều 9 Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định về việc phê duyệt nhiệm vụ: “Trên cơ sở kết luận của Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ, kết quả thẩm định dự toán và ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập (nếu có), cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, phương thức khoán (khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, khoán chi từng phần), tổng mức kinh phí và mức kinh phí khoán, thời gian thực hiện nhiệm vụ”.

2. Theo phân công của Chính phủ, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì xây dựng và sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC. Theo đó, trường hợp còn vướng mắc liên quan đến phần công việc không được giao khoán, đề nghị Quý độc giả liên hệ với Bộ Khoa học và Công nghệ để được giải đáp cụ thể.

Gửi phản hồi: