Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, đơn vị tôi là cơ quan hành chính nhà nước (chi cục trực thuộc Sở), đơn vị tôi thực hiện mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC và Quyết định số 01//2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của Hội đồng nhân dân TP. Cần Thơ quy định Phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công của các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố Cần Thơ . Hàng năm, sau khi đơn vị nhận được Quyết định giao dự toán của Sở thì đơn vị thực hiện phê duyệt dự toán mua sắm, sau đó phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2, điều 3 của thông tư 58. "Căn cứ dự toán chi ngân sách hàng năm, dự toán bổ sung trong năm được cơ quan có thẩm quyền giao và Quyết định mua sắm tài sản của cấp có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu để tổ chức thực hiện mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định" Tại Điều 3. Nghị quyết 01/2018/HĐND TPCT nêu trên có nội dung phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý 1. Thẩm quyền quyết định mua sắm, thuê tài sản a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mua sắm, thuê tài sản: - Trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất. - Xe ô tô và phương tiện vận tải khác. b) Tài sản khác (trừ các tài sản đã quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều này): - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định mua sắm, thuê tài sản theo danh mục dự toán có giá trị trên 500 triệu đồng hoặc tài sản có giá trị trên 250 triệu đồng trên một đơn vị tài sản. - Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định mua sắm, thuê tài sản theo danh mục dự toán có giá trị không quá 500 triệu đồng hoặc tài sản có giá trị không quá 250 triệu đồng trên một đơn vị tài sản. - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định việc mua sắm, thuê tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý ngân sách quận, huyện và phường, xã, thị trấn. ...... -Tôi xin hỏi như sau: Tôi căn cứ theo Khoản 1 Điều 5 của thông tư 58/2016 quy định: "Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý" và Khoản 2 của thông tư 58/2016 quy định:"Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương" và triển khai áp dụng Nghị quyết 01/2018 của HĐND TPCT tại địa phương nêu trên có đúng không? -Do hiện nay một số đơn vị tại thành phố Cần Thơ cho rằng Nghị quyết 01/2018 của TPCT nêu trên chỉ áp dụng cho phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản công và không áp dụng cho Thông tư 58/2016 mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ. -Hiện nay đang có những tranh luận gay gắt, có ý kiến cho rằng theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 thông tư 58/2016 quy định:" Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp; đồng thời được quyết định mua sắm các nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao" có nghĩa là thủ trưởng đơn vị dự toán chỉ có thẩm quyền phê duyệt dự toán mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá trị không quá 100 triệu đồng, còn trên 100 triệu đồng thì phải làm tờ trình, trình cơ quan cấp trên, trình Sở tài chính, rồi trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt rồi mới được thực hiện. Không được áp dụng Nghị quyết 01/2018 phân cấp nêu trên cho Khoản 3 Điều 5 của thông tư 58. Rất mong được Quý Bộ giải đáp thắc mắc cho tôi, tôi vô cùng biết ơn. Rất mong Quý Bộ không cung cấp thông tin của tôi về địa phương, vì tôi sẽ gặp khó khăn trong quá trình công tác. Tôi xin chân thành cảm ơn
02/11/2022
Trả lời:

1. Theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC:

- Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 quy định:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

          - Điều 10 quy định về căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó: 2. Quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ của cấp có thẩm quyền (quy định tại Điều 5 Thông tư này) hoặc kế hoạch, danh Mục dự toán mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

          Theo đó, trường hợp đơn vị (Chi cục trực thuộc Sở) sử dụng nguồn kinh phí (được quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC) để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên thì thực hiện theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC và phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại địa phương.

          2. Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định: 3. Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp; đồng thời được quyết định mua sắm các nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao.”

Theo quy định trên, trường hợp thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp đã được cơ quan có thẩm quyền phân cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh mục dự toán mua sắm có giá trị trên 100 triệu đồng thì thực hiện theo phân cấp hiện hành.

Gửi phản hồi: