Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài Chính: Đơn vị tôi là đơn vị quản lý cấp 2, được cơ quan cấp trên (Sở xây dựng) phân cấp quản lý lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật gồm: chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, Hạ tầng thoát nước và các nhà máy xử lý nước thải. Hằng năm được cơ quan cấp trên giao kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của của Thành phố để thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tôi có nội dung vướng mắc xin Quý Bộ giải đáp như sau: - Hàng năm sau khi cấp trên giao kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của Thành phố để thực hiện công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, công trình hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan chúng tôi thì cần phải có dự toán để đặt hàng hoặc đấu thầu chọn nhà thầu thực hiện (cơ quan tôi ở vai Chủ đầu tư). Trước đây khi Nghị định 32/2019/NĐ-CP chưa ban hành thì sau khi được giao kinh phí cơ quan tôi lập dự toán trình cho Sở Xây dựng phê duyệt nhưng kể từ khi NĐ 32/2019/NĐ-CP ban hành thay thế cho Nghị định 130/2013/NĐ-CP thì Sở Xây dựng không duyệt dự toán mà yêu cầu cơ quan tôi tự phê duyệt. Vậy cơ quan tôi tự phê duyệt dự toán công tác công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, công trình hạ tầng kỹ thuật có đúng thẩm quyền không. Rất mong Quý Bộ quan tâm phản hồi, tôi xin trân thành cảm ơn.
05/09/2022
Trả lời:

2.1. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định về quản lý ngân sách nhà nước về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công như sau:

Điều 22. Lập dự toán

1. Lập dự toán kinh phí ngân sách giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước, quy định của pháp luật khác có liên quan và quy định tại Nghị định này.

2. Lập dự toán

a) Hàng năm căn cứ danh mục sản phẩm, dịch vụ công chi tiết theo số lượng, khối lượng, đơn giá, giá dịch vụ, dự toán năm trước liền kề (trường hợp được giao nhiệm vụ, đặt hàng), đấu thầu năm liền kề trước (trường hợp đấu thầu) và dự kiến biến động các yếu tố chi phí đầu vào; theo hướng dẫn của bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các đơn vị dự toán các cấp lập dự toán nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cùng thời điểm lập dự toán ngân sách và tổng hợp trong dự toán ngân sách của đơn vị, gửi cơ quan quản lý cấp trên theo quy định;

b) Cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp dự toán gửi cơ quan tài chính cùng cấp và các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đối với dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ theo giá chưa tính đủ chi phí, lập dự toán cả phần ngân sách hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ sự nghiệp công; đối với sản phẩm, dịch vụ công ích lập dự toán phần ngân sách trợ giá.

Trường hợp sản phẩm, dịch vụ công thuộc danh mục thu phí, đơn vị lập dự toán chi từ nguồn thu phí được để lại chi cho hoạt động dịch vụ, thu phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 23. Phân bổ và giao dự toán

1. Việc phân bổ, giao dự toán nhiệm vụ, đặt hàng của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công lập; dự toán đặt hàng, đấu thầu cho nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (hoặc dự toán giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định), thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước, quy định của pháp luật khác có liên quan và quy định tại Nghị định này.

2. Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan quản lý cấp trên phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, trong đó phân rõ dự toán giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; dự toán kinh phí trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích.

Các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập; nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

…”

2.2. Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng quy định:

- Điều 30. Trình tự thực hiện bảo trì công trình xây dựng

1. Lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng.

2. Lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo trì công trình xây dựng.

3. Thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì.

4. Đánh giá an toàn công trình.

5. Lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng.

- Điều 31. Quy trình bảo trì công trình xây dựng

“….

          2. Trách nhiệm lập và phê duyệt quy trình bảo trì công trình xây dựng:

a) Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì công trình xây dựng, bộ phận công trình cùng với hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; cập nhật quy trình bảo trì cho phù hợp với các nội dung thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây dựng (nếu có) trước khi nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng;

b) Nhà thầu cung cấp thiết bị lắp đặt vào công trình lập và bàn giao cho chủ đầu tư quy trình bảo trì đối với thiết bị do mình cung cấp trước khi lắp đặt vào công trình;

c) Trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị không lập được quy trình bảo trì, chủ đầu tư có thể thuê đơn vị tư vấn khác có đủ điều kiện năng lực để lập quy trình bảo trì cho các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản này và có trách nhiệm chi trả chi phí tư vấn;

d) Chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt quy trình bảo trì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 Luật số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 47 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có thể thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra một phần hoặc toàn bộ quy trình bảo trì công trình xây dựng do nhà thầu thiết kế lập làm cơ sở cho việc phê duyệt….”

- Điều 35. Chi phí bảo trì công trình xây dựng

3. Các chi phí bảo trì công trình xây dựng:

a) Chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm gồm chi phí: Lập kế hoạch và dự toán bảo trì công trình xây dựng hàng năm; chi phí kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ; chi phí bảo dưỡng theo kế hoạch bảo trì hàng năm của công trình; chi phí xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về bảo trì công trình xây dựng; chi phí lập và quản lý hồ sơ bảo trì công trình xây dựng.

b) Chi phí sửa chữa công trình (định kỳ và đột xuất) gồm chi phí sửa chữa phần xây dựng công trình và chi phí sửa chữa phần thiết bị công trình theo quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt, và trường hợp cần bổ sung, thay thế hạng mục, thiết bị công trình để việc khai thác sử dụng công trình đúng công năng và đảm bảo an toàn;

c) Chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng gồm các chi phí: Lập, thẩm tra (trường hợp chưa có quy trình bảo trì) hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng; kiểm định chất lượng công trình phục vụ công tác bảo trì (nếu có); quan trắc công trình phục vụ công tác bảo trì (nếu có); kiểm tra công trình đột xuất theo yêu cầu (nếu có); đánh giá định kỳ về an toàn của công trình trong quá trình vận hành và sử dụng (nếu có); khảo sát phục vụ thiết kế sửa chữa; lập, thẩm tra thiết kế sửa chữa và dự toán chi phí bảo trì công trình; lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất để lựa chọn nhà thầu; giám sát thi công sửa chữa công trình xây dựng, giám sát sửa chữa phần thiết bị công trình; thực hiện các công việc tư vấn khác;

d) Chi phí khác gồm các chi phí cần thiết khác để thực hiện quá trình bảo trì công trình xây dựng như: kiểm toán, thẩm tra phê duyệt quyết toán; bảo hiểm công trình; phí thẩm định và các chi phí liên quan khác;

đ) Chi phí quản lý bảo trì của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình.

4. Chi phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình

a) Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí dưới 500 triệu đồng sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tự quyết định về kế hoạch sửa chữa với các nội dung sau: tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế; lý do sửa chữa hoặc thay thế, mục tiêu sửa chữa hoặc thay thế; khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành.

b) Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình.

c) Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình sử dụng vốn khác, khuyến khích chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tham khảo, áp dụng các nội dung nêu tại điểm a, điểm b khoản này để xác định chi phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình.

5. Chi phí bảo trì định kỳ hàng năm (không bao gồm chi phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình) thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức việc lập dự toán chi phí bảo trì định kỳ hàng năm. Việc quản lý chi phí bảo trì định kỳ hàng năm thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng nguồn vốn sử dụng thực hiện bảo trì….”

Theo đó, đối với việc phê duyệt dự toán công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, đề nghị Quý độc giả nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì trình Chính phurban hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Do đó, đề nghị Quý độc giả hỏi thêm ý kiến của Bộ Xây dựng về nội dung này.

Gửi phản hồi: