Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Xin chào Bộ tài chính, Tôi là kế toán của đơn vị SNCL (trường Tiểu học). Xin trao đổi một số nội dung về Thông tư 58/2016/TT-BTC. Theo khoản 1 điều 2 nôi dung mua sắm và khoản 2 điều 2 về nguồn kinh phí để mua sắm.Để có thể triển khai một số công việc cho việc bắt đầu năm học 2021-2022 trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Pháp luật về đấu thầu cũng như nhằm duy trì hoạt động thường xuyên. Đơn vị xin nhờ Bộ tư vấn cho đơn vị nội dung sau: 1/ Các kỳ năm học trước Trường tiểu học Phước Bình có thực hiện việc thu hộ-chi hộ đối với suất ăn công nghiệp, cụ thể: Thu trên mỗi suất ăn 30.000 đồng/suất ăn.học sinh. Chi cho đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp đúng với số tiền thu là 30.000 đồng/suất ăn, hàng tháng thực hiện đối chiếu, thu bao nhiêu thì chi trả cho đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp bấy nhiêu, Trường không giữ lại bất cứ khoản kinh phí nào. Vậy cho hỏi: Năm học 2021-2022 chúng tôi có phải thực hiện đấu thầu theo một trong các hình thức đấu thầu của Luật đấu thầu đối với việc chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp hay không? Việc thực hiện năm 2021-2022 vẫn theo hình thức thu hộ-chi hộ. 2/ Học tiếng Anh nước ngoài - kĩ năng sống Các chương trình học tiếng Anh (với giáo nước ngoài???), học kỹ năng sống do nhà Trường thỏa thuận với phụ huynh học sinh (tự nguyện), sau khi thỏa thuận được mức thu nhà trường tổ chức ký hợp đồng với các trung tâm giảng dạy trong giờ chính khóa. Vậy cho chúng tôi hỏi: Việc tổ chức lựa chọn đơn vị giảng dạy đối với môn tiếng Anh và kỹ năng sống nêu trên có phải thực hiện theo 1 trong các hình thức lựa chọn nhà thầu theo Luật đấu thầu không? Xin bộ hướng dẫn cho đơn vị, xin chân thành cảm ơn!
29/11/2021
Trả lời:

Tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp quy định:

1. Đối tượng áp dụng(Điều 1)

Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

2. Phạm vi điều chỉnh (Điều 2)

1. Nội dung mua sắm gồm:

a) Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;

b) Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy;

c) Mua sắm phương tiện vận chuyển: Ô tô, xe máy, tàu, thuyền, xuồng và các phương tiện vận chuyển khác (nếu có);

d) Mua sắm nguyên nhiên liệu, xăng dầu, hóa chất, dược liệu, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên;

đ) May sắm trang phục ngành, trang phục phục vụ hoạt động đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định (như: quần áo bác sỹ, y tá, quần áo bệnh nhân, phạm nhân và các loại trang phục đặc thù của ngành nghề khác), bảo hộ lao động (gồm cả mua sắm vật liệu, mẫu thiết kế và công may);

e) Mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: Máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có) thuộc dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

g) Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ;

h) Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác;

i) Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để lập, phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn khác trong mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị;

k) Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có);

l) Các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

2. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, gồm:

a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm);

b) Nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia trong trường hợp thực hiện theo hình thức không hình thành dự án đầu tư;

c) Vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn khác do nhà nước quản lý (nếu có);

d) Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Vay nợ, viện trợ không hoàn lại được cân đối trong chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác);

đ) Nguồn thu từ phí, lệ phí được sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

e) Nguồn kinh phí từ thu hoạt động sự nghiệp, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật tại đơn vị sự nghiệp công lập;

g) Nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế;

h) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định (nếu có).

3. Về hình thức lựa chọn nhà thầu (Khoản 1 Điều 3):

1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nội dung mua sắm, nguồn kinh phí mua sắm theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC; việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện mua sắm theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

Vì vậy, đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện theo các quy định hiện hành.

Gửi phản hồi: