Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi: Bộ Tài chính Trong quá trình thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/1/02017 của Bộ Tài chính tôi gặp vướng mắc sau đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn giúp để chúng tôi thực hiện đúng quy định. Đối với nội dung hạch toán số phí được khấu trừ để lại trong năm nhưng chưa sử dụng, có 02 quan điểm: 1. Khoản này được treo bên Có TK 337.3 và khi nào tiếp tục sử dụng thì mới kết chuyển về TK 514 (Nợ 337.3/ Có 514) 2. Khoản này được kết chuyển về TK 514 để xác định thặng dư thâm hụt trong năm của đơn vị, cụ thể: - Nợ 337.3/ Có 514 - Kết chuyển : Nợ 514/ Có 911; Nợ 911/ Có 421 * Theo quan điểm (1) thì chỉ kết chuyển sang TK 514 số phí được khấu trừ để lại tương ứng với số đã chi nên số còn lại vẫn treo bên Có 337.3 ( hướng dẫn tại nguyên tắc hạch toán TK 337 Khoản đ, Mục 3.5 của TT 107). * Theo quan điểm (2) thì nếu treo bên Có TK 337.3 thì sẽ không phù hợp với các quy định sau: - Không xác định được hiệu quả hoạt động thu phí trong năm của đơn vị do kết chuyển doanh thu tương ứng với chi phí (phát sinh Có TK 514= phát sinh Nợ TK 614) nên tại Biểu Báo cáo kết quả hoạt động (Mẫu 02/BCTC) không có thặng dư (thâm hụt) của nội dung thu phí. - Theo hướng dẫn tại nguyên tắc hạch toán TK 337 (mục 1.1;1.3 và 1.6) thì khoản thu này đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu. Mặt khác số dư bên có TK 337 phản ánh số tạm thu hiện còn, do đó nếu treo bên Có TK 337.3 số phí được khấu trừ để lại trong năm là không phù hợp với hướng dẫn và thực tế. - Ngoài ra tại hướng dẫn kết cấu TK 421 – Thặng dư (thâm hụt) thì TK 4211- thặng dư (thâm hụt) từ hoạt động hành chính, sự nghiệp bao gồm thặng dư hoạt động phí được khấu trừ, để lại, tuy nhiên do số phát sinh Có TK 514= phát sinh Nợ TK 614 nên hoạt động phí được khấu trừ để lại không bao giờ có thặng dư. Với vướng mắc nêu trên, đề nghị Bộ Tài chính giải đáp giúp chúng tôi. Xin trân trọng cảm ơn!
24/08/2021
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về hạch toán khoản phí được khấu trừ, để lại và việc trình bày số liệu này trên Báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị theo quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1.     Về chênh lệch thu, chi từ nguồn phí khấu trừ, được để lại

Phụ lục số 02, Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, phần hướng dẫn hạch toán tài khoản 514 “Thu phí được khấu trừ, để lại” đã quy định như sau:

 Khi đơn vị phát sinh các khoản thu phí, lệ phí đơn vị phản ánh vào TK 337 - Tạm thu (3373). Định kỳ, đơn vị xác định số phải nộp NSNN theo quy định của pháp luật phí, lệ phí (hoặc nộp cấp trên - nếu có), phần được khấu trừ, để lại đơn vị là nguồn thu của đơn vị và hạch toán vào TK 014- Phí được khấu trừ, để lại. Đồng thời, căn cứ vào số đã chi từ nguồn phí được khấu trừ để lại (trừ phần để đầu tư, mua sắm TSCĐ; mua sắm nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ nhập kho) để kết chuyển từ TK 337- Tạm thu (3373) sang TK 514- Thu phí được khấu trừ, để lại.

Cuối năm, căn cứ vào số khấu hao TSCĐ đã trích trong năm và tình hình xuất kho nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ sử dụng trong năm, kế toán kết chuyển từ TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu sang TK 514- Thu phí được khấu trừ, để lại tương ứng với số khấu hao đã trích và số nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ đã xuất sử dụng.

Đồng thời tại bút toán 3.9 đã hướng dẫn: Cuối năm, căn cứ vào dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác định được số tiết kiệm chi từ hoạt động thu phí, ghi:

Nợ TK 337- Tạm thu (3373)

          Có TK 514- Thu phí được khấu trừ, để lại.

Sau đó, toàn bộ số phí được khấu trừ, để lại được kết chuyển vào TK 911- Xác định kết quả (9111) để xác định thặng dư (thâm hụt ). Việc xử lý số chênh lệch thu lớn hơn chi của số phí được khấu trừ, để lại được thực hiện theo quy định hiện hành. 

Căn cứ các quy định nêu trên thì chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi kết chuyển chính là số tiết kiệm chi từ hoạt động thu phí mà đơn vị xác định theo dự toán được giao. Số liệu này được trình bày trên chỉ tiêu thặng dư (thâm hụt) của hoạt động hành chính sự nghiệp trên báo cáo kết quả hoạt động (mẫu B02/BCTC).

2. Đối với số dư tài khoản 3373 “Tạm thu phí, lệ phí” theo quy định Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp:

- Tại phần hướng dẫn hạch toán tài khoản 337 “Tạm thu”: Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản thu phát sinh tại đơn vị nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu ngay.

Tài khoản 3373- Tạm thu phí, lệ phí: Phản ánh các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật phí, lệ phí phát sinh tại đơn vị. Theo đó tài khoản này có số dư bên Có phản ánh số tạm thu hiện còn, chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu ngay.

- Theo quy định về nguyên tắc hạch toán tài khoản loại 5: Đơn vị phải phản ánh vào báo cáo toàn bộ các khoản thu và doanh thu tương ứng với số chi phí phát sinh tại đơn vị trên cơ sở dồn tích.

Như vậy số dư Tài khoản 3373- Tạm thu phí, lệ phí phản ánh số tạm thu hiện còn chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu ngay, là các khoản tạm thu trong năm nhưng chưa phát sinh chi phí tương ứng được chuyển năm sau tiếp tục sử dụng.

  Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: