Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính! Tôi làm ở một đơn vị sự nghiệp công lập. Tại đơn vị tôi, năm 2020, có phát sinh một số nghiệp vụ sau: I. Đơn vị tôi sử dụng tài sản được hình thành từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để phục vụ cho hoạt động hành chính của đơn vị, cuổi năm khi tính hao mòn tài sản, đơn vị tôi hạch toán hao mòn tài sản theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC, cụ thể: - Tính hao mòn TSCĐ (nếu dùng cho hoạt động hành chính), ghi: Nợ TK 611 - Chi phí hoạt động Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ. - Cuối năm, đơn vị kết chuyển số hao mòn, khấu hao đã tính (trích) trong năm, ghi: Nợ TK 431- Các quỹ (43142) (số hao mòn và khấu hao đã tính (trích)) Có TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế (số hao mòn đã tính) Sau đó, khi kết chuyển tự động 611 =>9111 (tất cả các chi phí hoạt động cùng với khoản tính hao mòn trên) Như vậy, số dư của việc tính hao mòn hiện đang được thể hiện trên 2 TK: một khoản Bên có của TK 421 và một khoản bên Nợ của tài khoản 9111. Đến đây có 2 ý kiến: 1. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tính hao mòn tài sản không ảnh hưởng đến thặng dư của đơn vị. Tức là Một bên là số dư bến có của TK 421, một bên là số dư bên nợ của TK 9111 khi chạy tự động kết chuyển sẽ chuyển sang Bên nợ của TK 421, cụ thể: Nợ 421 (số hao mòn) Có 9111 (số hao mòn) Như vậy bên nợ và bên có của TK 421 đều là một số hao mòn nên số dư sẽ bằng không. Do vậy, sẽ không ảnh hưởng đến thăng dư của đơn vị. 2. Ý kiến thứ 2 cho rằng: việc tính hao mòn có hai vấn đề: - Một là việc tính chi phí hao mòn đối với hoạt động hành chính của đơn vị khi sử dụng tài sản vào hoạt động hành chính sự nghiệp thể hiện bằng bút toán: Nợ 611/Có 2141. Chi phí này là chi phí cho hoạt động hành chính của đơn vị, vì vậy, đơn vị phải sử dụng kinh phí do ngân sách cấp theo dự toán hoạt động hành chính sự nghiệp năm để bù, cụ thể là từ tài khoản 511 khi kết chuyển sang 9111. Còn khoản kết chuyển hao mòn theo bút toán Nợ TK 43142/Có 421 (như trên) là khoản thặng dư đơn vị có được từ việc kết chuyển số hao mòn tài sản đã tính (trích) đối với trong năm của tài sản được hình thành từ quỹ PTHĐ. Khoản này sau khi đơn vị kết chuyển kết quả hoạt động sẽ được phân bổ trở lại quỹ phát triển hoạt động của đơn (hay nói cách khác đây là một khoản thu từ hao mòn tài sản bổ úng quỹ PTHĐSN để sửa chữa, tái tạo lại tài sản, chứ không phải dùng để cùng với số dư nợ bên TK 611 (do tính hao mòn) làm hết số dư và không ảnh hưởn đến thặng dư của đơn vị. Tôi xin hỏi Quý Bộ như thế nào là đúng theo Hướng dẫn của Thông tư của Quý Bộ và Luật Kế toán? Vì liên quan đến việc khi tôi lên Báo cáo kết quả hoạt động Mẫu B02/BCTC tại chỉ tiêu số 50 Thặng dư/thâm hụt trong năm, (bao gồm chênh lệch thu chi của hoạt động Hoạt động hành chính, sự nghiệp; Hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Hoạt động tài chính; Hoạt động khác; - Chi phí thuế TNDN) Tổng chênh lệch các khoản này không đúng với số lũy kế trên TK 421 trên bảng cân đối số phát sinh (do có khoản kết chuyển số hao mòn trong năm của tài sản hình thành từ quỹ PTHĐSN đã nêu ở trên, tại bút toán: Nợ TK 43142/Có 421). Có ý kiến cho rằng số thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trên hai báo cáo này phải giống nhau (không được có chênh lệch). Như vậy có đúng không? Và nếu đúng thì tôi phải làm định khoản hoặc điều chỉnh như thế nào?
21/07/2021
Trả lời:

Nội dung thư độc giả hỏi về bút toán hạch toán hao mòn tài sản cố định hình thành từ NSNN và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để phục vụ hoạt động hành chính tại đơn vị sự nghiệp công lập và việc trình bày số liệu này trên Báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị theo quy định chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư 107/2017/TT-BTC. Về vấn đề này Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán- Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Theo Phụ lục số 02, Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, việc hạch toán bút toán hao mòn TSCĐ phục vụ hoạt động hành chính tại đơn vị vào cuối năm kế toán như sau:

          1.1. Căn cứ bảng tính hao mòn TSCĐ, hạch toán vào chi phí hoạt động của đơn vị, ghi:

Nợ TK 611- Chi phí hoạt động

          Có TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ.

1.2. Đồng thời xử lý nguồn:

a) Nếu TSCĐ hình thành bằng nguồn NSNN, kế toán kết chuyển nguồn vào doanh thu, ghi:

        Nợ TK 366 - Các khoản nhận trước chưa ghi thu

Có TK 511- Thu hoạt động do NSNN cấp    

b) Nếu TSCĐ hình thành bằng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, kết chuyển giảm Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp tương ứng với số hao mòn đã ghi vào chi phí trong năm, ghi:

Nợ TK 431- Các quỹ (43142)

          Có TK 421- Thặng dư (thâm hụt) lũy kế

Theo đó với bút toán đồng thời xử lý nguồn (1.2) nêu trên, kế toán lựa chọn hạch toán bút toán a hay bút toán b phụ thuộc vào nguồn hình thành TSCĐ. Số liệu hao mòn TSCĐ được tính vào chi phí hoạt động đều được bù nguồn tương ứng, do đó không làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị.

2. Đối với trình bày số liệu chỉ tiêu Thặng dư (thâm hụt) trong năm (mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động (mẫu B02/BCTC):

Theo quy định tại Phụ lục số 04, Thông tư 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, số liệu chỉ tiêu Thặng dư (thâm hụt) trong năm (mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động phản ánh thặng dư/thâm hụt của đơn vị trong năm đối với các nguồn kinh phí được phép phân phối theo cơ chế tài chính, được tính bằng doanh thu trong năm trừ đi (-) chi phí trong năm.

Do vậy đối với trường hợp đơn vị sử dụng TSCĐ hình thành bằng Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, trong năm chỉ phát sinh chi phí sử dụng tài sản, mà không có doanh thu tương ứng (doanh thu đã được ghi nhận từ các năm trước và đã trích lập quỹ), số liệu chỉ tiêu thặng dư (thâm hụt) trong năm (mã số 50) sẽ chưa bao gồm phần số liệu xử lý nguồn (bút toán 1.2, b nêu trên). Để làm rõ nội dung này, đơn vị cần thuyết minh số liệu trên thuyết minh báo cáo tài chính.

Theo đó trong trường hợp này số phát sinh trên TK 421 “thặng dư/thâm hụt lũy kế” trên Bảng cân đối số phát sinh năm sẽ chênh lệch với số liệu chỉ tiêu Thặng dư (thâm hụt) trong năm (mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động (mẫu B02/BCTC).

   Đề nghị độc giả nghiên cứu thực hiện./.

Gửi phản hồi: