Hỏi đáp CSTC

Hỏi:


Cơ quan tôi có thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của dự án sửa chữa nhà làm việc cơ quan với tổng mức vốn là 1 tỷ đồng, gói thầu thi công xây dựng là 850 triệu đồng (từ nguồn vốn chi thường xuyên giao đầu năm của đơn vị). Dự án có tổng vốn trên 500 triệu đồng nên chủ đầu tư lập hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án.

Đây là dự án sửa chữa được bố trí từ nguồn chi thường xuyên (công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản) nên tôi thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các gói thầu theo các hạn mức quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 (tức là hình thức lựa chọn nhà thầu của gói thầu thi công xây dựng là chào hàng cạnh tranh thông thường).

Tuy nhiên, khi trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì người quyết định đầu tư cho rằng dự án sửa chữa nhưng có tổng mức trên 500 triệu đồng, có lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật nên nó là dự án đầu tư phát triển (từ nguồn ngân sách Nhà nước). Gói thầu xây lắp của dự án lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật không phải là gói thầu "sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dưng không thuộc dự án đầu tư xây dựng" nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

Cá nhân tôi không đồng ý với quan điểm này và vẫn cho rằng các gói thầu của dự án này vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 58/2016/TT-BTC vì dự án được bố trí từ nguồn vốn chi thường xuyên, là "công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản" thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điểm h Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

Kính mong Bộ Tài chính sớm hướng dẫn, tôi xin chân thành cảm ơn!

27/01/2021
Trả lời:

3.1. Theo Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp:

- Điều 1: Đối tượng áp dụng: Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) khi sử dụng vốn nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

- Điều 2. Phạm vi điều chỉnh:

+ Khoản 1 quy định nội dung mua sắm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm: h) Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác.

+ Khoản 2 quy định nguồn kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ bao gồm: a) Nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị (bao gồm cả nguồn bổ sung trong năm).

          3.2. Về hình thức lựa chọn nhà thầu:

          - Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu quy định về các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, trong đó bao gồm: e) Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

          - Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm:

          1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;

2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

          - Theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC:

          + Khoản 1 Điều 13: Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

          + Khoản 2 Điều 15. Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu: Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng.

          + Khoản 1 Điều 18. Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh: Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 2 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau:

          a) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

          b) Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng (có nhiều người sử dụng và có nguồn cung cấp đảm bảo, ổn định), sẵn có trên thị trường (hàng hóa được giao ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất), có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa (theo tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn nước ngoài) và tương đương nhau về chất lượng (có khả năng thay thế lẫn nhau do có cùng đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng và các đặc tính khác).

          Do vậy, đề nghị Quý độc giả nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện theo đúng quy định.

Gửi phản hồi: